Tài nguyên tái tạo (Renewable Resource) là gì?
Mục Lục
Tài nguyên tái tạo (Renewable Resource)
Tài nguyên tái tạo - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Renewable Resource.
Tài nguyên tái tạo là những tài nguyên được hình thành dựa trên những nguồn năng lượng vô tận và liên tục cung cấp từ vũ trụ vào Trái đất theo một trật tự tự nhiên xác định, hoặc những nguồn thông tin vật lí và sinh học đã hình thành và tiếp tục tồn tại, phát triển. Nó chỉ mất đi không không còn nguồn năng lượng hoặc các thông tin nói trên. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)
Một số loại tài nguyên tái tạo
Năng lượng mặt trời, gió, thủy triều, nước, các loài sinh vật... được xem là tài nguyên tái tạo. Loại tài nguyên này có đặc điểm là trở lại trạng thái ban đầu sau một chu trình sử dụng của con người hoặc sinh vật. Chính vì thế mà chúng có thể tự duy trì, tự bổ sung một cách liên tục, khi được quản lí một cách hợp lí.
Cũng phải thừa nhận rằng, nếu sử dụng không hợp lí, tuy là tài nguyên tái tạo, chúng vẫn có thể bị suy thoái và không thể tái tạo được. Ví dụ tài nguyên nước là tài nguyên tái tạo, song do quản lí bất hợp lí hoặc để rơi vào tình trạng không quản lí được dẫn đến nước bị ô nhiễm nặng nề ở nhiều vùng trên Thế giới, gây nên thiếu hụt trong sử dụng và nguy hại cho sự sống.
Năng lượng mặt trời cũng vậy, nó không bao giờ bị mất đi nhưng do con người trong một thời gian dài đã không kiểm soát được môi trường khí, để CO2 trở thành thủ phạm gây nên hiệu ứng nhà kính, khiến cho trái đất mất khả năng cân bằng nhiệt vốn có của nó, là nguy cơ làm cho trái đất nóng lên.
Khí CFC phá hủy tầng ozon dẫn đến bức xạ năng lượng Mặt trời trên mặt đất có nhiều thành phần tử ngoại hơn, là cơ hội hình thành nhiều khí ozon ở tầng thấp của khí quyển gần mặt đất gây tác động bất lợi đến sự sống của con người và sinh vật.
Sinh vật có khả năng tái tạo tự duy trì để ổn định thành phần và tính đa dạng trong hệ sinh thái, nhưng con người đã đánh bắt quá mức hoặc gây ô nhiễm nặng nề hoặc phá hủy môi trường sống... điều này đã làm cho nhiều loài bị tuyệt chủng, nhiều loài rơi vào tình trạng cảnh báo trong sách đỏ. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)