Tài nguyên đất (Land resources) là gì?
Mục Lục
Tài nguyên đất
Tài nguyên đất trong tiếng Anh gọi là: Land resources.
Đất là một loại tài nguyên thiên nhiên, là một hỗn hợp phức tạp bao gồm các hợp chất vô cơ, các mảnh vụn hữu cơ đã và đang bị phân rã, nước, không khí và vô số các vi sinh vật đang sinh sống ở trong đó.
Lớp đất mà các sinh vật đang sinh sống trên đó hoặc trong đó thường mỏng và sắp xếp thành tầng dày từ 1 – 2 mét.
Đó là nơi cung cấp nguồn chất dinh dưỡng cho cây, cho các sinh vật trong đất; trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp nguồn thực phẩm, gỗ, sợi và nhiều loại nguyên vật liệu khác... đảm bảo cho sự tồn tại của con người.
Đất còn là môi trường sống của con người và hầu hết các sinh vật ở cạn, là nền móng cho toàn bộ các công trình xây dựng.
Phân loại
Sự thay đổi về khí hậu, thảm thực vật, địa hình và tuổi của đất là nguyên nhân hình thành nhiều loại đất khác nhau về màu sắc, độ dày, độ chua và nhiều tính chất khác. Trên thế giới có 5 nhóm đất phổ biến được phân bố ở các vùng khác nhau là:
– Đất rừng tùng bách: gặp ở vùng có khí hậu lạnh. Thực vật đặc trưng như Thông, Tùng, Bách, Sồi, Giẻ. Hầu hết là cây có lá kim và xanh quanh năm.
– Đất rừng ôn đới thay lá: gặp ở vùng khí hậu ẩm ôn đới. Phần lớn là cây có lá rộng và thay lá theo mùa trong năm xen lẫn cây có lá kim.
– Đất đồng cỏ: gặp ở vùng ôn đới có mùa khô kéo dài, hầu hết là những cây thân thảo nhất niên.
– Đất sa mạc: gặp ở vùng khí hậu nóng khô như sa mạc và các bán sa mạc. Thực vật ở đây nghèo nàn bao gồm các loài thân thảo nhỏ, cây bụi, cây gỗ nhỏ mà phần lớn lá của chúng biến thành gai.
– Đất rừng mưa nhiệt đới: gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Thực vật rất đa dạng và phong phú, có lá rộng và xanh quanh năm. Một số ít loài còn thể hiện sự rụng lá theo mùa thường không rõ như Bàng biển, Xoan...
Giải thích một số thuật ngữ liên quan:
Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế biến thành sản phẩm vật chất để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)