Tái cơ cấu nông nghiệp (Agricultural Restructuring) là gì? Quan điểm
Mục Lục
Tái cơ cấu nông nghiệp
Tái cơ cấu nông nghiệp trong tiếng Anh được gọi là Agricultural Restructuring.
Tái cơ cấu nông nghiệp về thực chất là quá trình sắp xếp lại các yếu tố liên quan đến chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp từ khâu qui hoạch, cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ...
Trên phương diện khác, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Quan điểm tái cơ cấu
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;
Gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững; phát triển bền vững vừa là một quá trình, vừa là mục tiêu của ngành;
- Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; đồng thời, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội;
- Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ;
- Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ trung ương đến địa phương trong quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lí, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng.
Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới qui trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn;
- Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.
(Tài liệu tham khảo: Bộ tài liệu đào tạo về OCOP, Trang Thông tin Điện tử Nông thôn mới, tỉnh Đắk Nông)