Tái cơ cấu nợ (Debt Restructuring) là gì? Đặc điểm và loại hình
Mục Lục
Tái cơ cấu nợ
Tái cơ cấu nợ trong tiếng Anh là Debt Restructuring.
Tái cơ cấu nợ là quá trình được các công ty sử dụng để tránh rủi ro vỡ nợ đối với khoản nợ hiện có hoặc để tận dụng mức lãi suất thấp hơn.
Việc tái cơ cấu nợ cũng có thể được thực hiện bởi các cá nhân đang trên bờ vực mất khả năng thanh toán, hoặc bởi các quốc gia đang có xu hướng vỡ nợ quốc gia.
Đặc điểm của Tái cơ cấu nợ
Một số công ty tìm cách tài cơ cấu nợ khi họ phải đối mặt với phá sản. Công ty có thể có các khoản vay được cơ cấu theo cách ưu tiên trả nợ trước.
Những chủ nợ cấp cao (Senior debt holder) sẽ được trả trước những chủ nợ cấp dưới nếu công ty sắp phá sản. Các chủ nợ đôi khi sẵn sàng thay đổi nguyên tắc này và các điều khoản khác để tránh phải giải quyết với sự phá sản hoặc vỡ nợ tiềm ẩn của con nợ.
Quá trình tái cơ cấu nợ thường được thực hiện bằng cách giảm lãi suất cho các khoản vay, bằng cách kéo dài ngày đáo hạn, hoặc thực hiện đồng thời cả hai.
Những cách này giúp cải thiện cơ hội doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Các chủ nợ hiểu rằng họ sẽ nhận được thậm chí ít hơn nếu công ty bị buộc phải phá sản hoặc giải thể (Liquidation).
Tái cơ cấu nợ có thể là lợi ích đối với cả hai chủ thể. Doanh nghiệp tránh được phá sản và những người cho vay thường nhận được nhiều hơn là phải tiến hành thực hiện thủ tục phá sản.
Các loại hình Tái cơ cấu nợ
Tái cơ cấu nợ có thể bao gồm hoán đổi nợ thành vốn cổ phần. Điều này xảy ra khi các chủ nợ đồng ý hủy bỏ một phần hoặc tất cả các khoản nợ tồn đọng của họ để đổi lấy vốn chủ sở hữu trong công ty.
Việc hoán đổi thường là một lựa chọn ưu tiên khi nợ và tài sản trong công ty rất lớn, vì vậy việc buộc công ty phá sản sẽ không lí tưởng. Các chủ nợ sẽ ưa thích kiểm soát một công ty kiệt quệ hơn là để công ty đó phá sản.
Một công ty đang tìm cách tái cơ cấu lại các khoản nợ của mình cũng có thể đàm phán lại với các trái chủ để cắt lỗ dự kiến (Haircut) - một phần của các khoản thanh toán lãi chưa trả sẽ bị xóa, hoặc một phần tiền gốc sẽ không được trả.
Một công ty thường sẽ phát hành trái phiếu có thể mua lại (Callable bond) để bảo vệ chính mình khỏi tình huống không thể thực hiện thanh toán lãi. Trái phiếu có thể mua lại có thể được công ty sớm mua lại trong thời gian lãi suất giảm. Điều này cho phép công ty dễ dàng tái cơ cấu nợ trong tương lai vì nợ hiện tại có thể được thay thế bằng nợ mới với lãi suất thấp hơn.
Các ví dụ khác về Tái cơ cấu nợ
Các cá nhân đối mặt với trường hợp mất khả năng thanh toán có thể đàm phán lại các điều khoản với các chủ nợ và cơ quan thuế.
Các quốc gia có thể phải đối mặt với vỡ nợ quốc gia và điều này vẫn đang xảy ra trên thế giới, chẳng hạn như Hi Lạp hay Venezuela. Hiện nay, đôi khi các quốc gia lựa chọn tái cơ cấu nợ với các trái chủ. Nghĩa là sẽ chuyển nợ từ khu vực tư nhân sang các tổ chức khu vực công có thể có khả năng xử lí tốt hơn tác động của một quốc gia bị vỡ nợ.
Các trái chủ cũng có thể phải cắt lỗ dự kiến bằng cách đồng ý chấp nhận giảm phần trăm nợ, có thể là 25% toàn bộ giá trị của trái phiếu.
Ngày đáo hạn của trái phiếu cũng có thể được gia hạn, giúp chính phủ có thêm thời gian để đảm bảo số tiền cần thiết để trả nợ cho các trái chủ của mình. Tuy nhiên, loại tái cơ cấu nợ này không có nhiều cách để giám sát quốc tế, ngay cả khi các nỗ lực tái cơ cấu thực hiện xuyên biên giới.
Tái cấu trúc nợ cung cấp một giải pháp ít tốn kém hơn cho việc phá sản xảy khi công ty, cá nhân hoặc quốc gia rơi vào tình trạng hỗn loạn tài chính. Đó là một quá trình mà chủ thể có thể nhận được miễn nợ và gia hạn nợ để tránh bị tịch thu tài sản để thế nợ hoặc thanh lí tài sản.
(Theo Investopedia)