Tái cấu trúc (Restructuring) là gì? Mục tiêu tái cấu trúc
Mục Lục
Tái cấu trúc (Restructuring)
Tái cấu trúc trong tiếng Anh là Restructuring. Tái cấu trúc liên quan đến điều chỉnh qui mô của công ty về số lượng nhân viên, số lượng các bộ phận hay đơn vị, số lượng cấp bậc trong cấu trúc tổ chức của công ty.
Tái cấu trúc cũng được hiểu là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm tạo ra "trạng thái" tốt hơn cho doanh nghiệp để thực hiện những mục tiêu đề ra.
Thuật ngữ liên quan
Tái kiến thiết (Reengineering) còn được gọi là quản trị quá trình, đổi mới quá trình hay thiết kế lại quá trình - liên quan đến việc thiết kế lại công việc, nghề nghiệp và quá trình với mục đích làm tăng chất lượng, dịch vụ và tốc độ.
Mục tiêu tái cấu trúc và liên hệ thực tiễn
- Tái cấu trúc là sự điều chỉnh lại với mục đích gia tăng cả hiệu quả lẫn hiệu suất. Mối quan tâm chính trong tái cấu trúc là lợi ích của các cổ đông hơn là lợi ích của nhân viên.
- Điều kiện suy thoái kinh tế buộc nhiều công ty châu Âu giảm cấp, sa thải các nhà quản lí và nhân viên.
Hành động này hiếm thấy trong lịch sử châu Âu, bởi vì công đoàn và luật pháp đòi hỏi phải có các cuộc thương lượng kéo dài hay những thỏa thuận phụ cấp thôi việc (severance packages) khổng lồ trước khi công nhân bị chấm dứt hợp đồng. Ngược lại với Mỹ, các nhà lãnh đạo công đoàn của các công ty châu Âu phần lớn đều là thành viên của Hội đồng quản trị.
Đảm báo việc làm trong các công ty châu Âu đang dần chuyển sang kịch bản của Mỹ, nơi các công ty sa thải lao động hầu như theo ý muốn. Từ các ngân hàng ở Milan đến các nhà máy ở Mannheim, các ông chủ châu Âu bắt đầu yêu cầu nhân viên của mình phải nỗ lực sắp xếp hợp lí các hoạt động, để tăng hiệu quả và cạnh tranh với các công ty Mỹ vốn đã tinh gọn.
Việc sa thải hàng loạt theo phong cách Mỹ vẫn hiếm thấy ở châu Âu, nhưng tỉ lệ thất nghiệp trên toàn lục địa này đang tăng lên nhanh chóng. Các công ty châu Âu vẫn chọn giải pháp giảm qui mô bằng cách giảm dần và cho nghỉ hưu hơn là sa thải hàng loạt, vì sự khác biệt về văn hóa, luật pháp và vai trò của công đoàn.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị chiến lược, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)