Suy giảm tài nguyên đất (Soil degradation) là gì? Nguyên nhân
Mục Lục
Suy giảm tài nguyên đất
Suy giảm tài nguyên đất hay suy thoái tài nguyên đất trong tiếng Anh được gọi là Soil degradation.
Khi nói đến suy thoái đất, người ta thường đề cập đến suy thoái chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của nó.
Đất bị suy thoái là những loại đất do những nguyên nhân tác động nhất định theo thời gian đã và đang mất đi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu trở thành các loại đất mang đặc tính và tính chất không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng nông lâm nghiệp.
Đất là một dạng tài nguyên vật liệu của con người. Đất có các chức năng: đất đai là nơi ở, xây dựng cơ sở hạ tầng của con người, là nguyên liệu sản xuất và là mặt bằng để sản xuất nông lâm nghiệp.
Sự hình thành đất là một quá trình lâu dài có liên quan mật thiết với địa hình, khí hậu, thực vật, động vật, đá mẹ và con người. Đất là một hệ sinh thái hoàn chỉnh nên thường bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người.
Nguyên nhân gây suy thoái
Các nguyên nhân gây suy thoái đất có thể do tự nhiên, và có thể do hoạt động của con người gây nên.
- Nguyên nhân của thoái hoá đất do tự nhiên gây nên như sông suối thay đổi dòng chảy, núi lở, thay đổi khí hậu, thời tiết: mưa, nắng, nhiệt độ, gió, bão, lũ quét, rửa trôi xói mòn vùng đồi núi và ngập úng ở vùng thấp trũng.
- Nhiều hoạt động sản xuất của con người dẫn đến làm thoái hoá và sa mạc hoá đất như: chặt đốt rừng làm nương rẫy, không có biện pháp chống rửa trôi xói mòn đất vào mùa mưa và giữ ẩm đất vào mùa khô, không bón phân, bổ sung chất hữu cơ cho đất, không trồng xen hoặc luân canh các loài cây phân xanh, cây họ đậu mà trồng độc canh, chăn thả gia súc bừa bãi.
Vì vậy, cho dù đất phù sa phì nhiêu màu mỡ, sau một thời gian canh tác sẽ dẫn đến đất bị thoái hoá theo con đường bạc màu hoá hoặc bạc điền hoá (đất chua, mất phần tử cơ giới limon và sét trên tầng mặt, mất chất hữu cơ, mất kết cấu đất, kiệt quệ chất dinh dưỡng), làm giảm khả năng sản xuất.
Đất có thể còn bị ô nhiễm, có thể phân loại theo nguồn gốc phát sinh thành ô nhiễm như do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải của các hoạt động nông nghiệp, ô nhiễm đất và không khí từ các khu dân cư tập trung.
Diện tích đất nông nghiệp lâm nghiệp còn bị thu hẹp do xây dựng và phát triển đô thị, khu công nghiệp.
Thực trạng Việt Nam
Nằm trong vùng ảnh hưởng của vòng xoáy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng.
Sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, tốc độ đô thị hóa cao, việc chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp và ao hồ thành đất xây dựng đô thị ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực… cũng như làm giảm một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp, gây suy thoái đất…
Những dự án khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf… vẫn ngày một mở rộng, một phần không nhỏ đất nông nghiệp vẫn bị thu hồi.
Khi đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, sẽ dẫn đến tình trạng kết cấu đất thay đổi trên diện rộng do bị ô nhiễm bởi chất thải từ các khu công nghiệp, thuốc diệt cỏ từ các sân golf.
(Tài liệu tham khảo: Dân số, tài nguyên và môi trường trong phát triển bền vững, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2017. Trang thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo Nông nghiệp Việt Nam)