Sự sáng tạo mang tính hủy diệt (Destructive Creation) là gì?
Mục Lục
Sự sáng tạo mang tính hủy diệt
Sự sáng tạo mang tính hủy diệt trong tiếng Anh là Destructive Creation.
Sự sáng tạo mang tính hủy diệt là thuật ngữ chỉ những tình huống mà sự đổi mới dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế nhiều hơn là lợi ích.
Sự sáng tạo mang tính hủy diệt là một lối chơi chữ của thuật ngữ sự hủy diệt mang tính sáng tạo nổi tiếng của Joseph Schumpeter, thường được sử dụng để mô tả những đổi mới trong qui trình sản xuất làm tăng năng suất, tức là những đổi mới mang lại lợi nhiều hơn hại. Ví dụ, khi máy tính được phát minh, chúng đã thay thế máy đánh chữ và tăng năng suất, kết quả là nền kinh tế được lợi.
Ngược lại, sự sáng tạo mang tính hủy diệt là sự đổi mới dẫn đến kết quả tiêu cực, sản lượng kinh tế ròng bị giảm, mặc dù nó vẫn có thể mang lại lợi ích cho người khởi tạo hoặc người dùng cuối cùng của phát minh đó.
Sự sáng tạo mang tính hủy diệt có thể xảy ra trong bất kì ngành nào.
Trong sự sáng tạo mang tính hủy diệt, chi phí của các ngành công nghiệp, công việc và cơ hội đầu tư bị phá hủy (cộng với bất kì hậu quả không lường trước nào khác đối với nền kinh tế, xã hội hoặc môi trường) vượt xa lợi ích của sản phẩm hoặc công nghệ mới.
Các dự án đầu tư lớn, dài hạn trong công nghệ cũ có thể bị sụp đổ vì sự cải thiện nhỏ trong chức năng. Một lượng lớn lao động có kĩ năng tốt trong ngành công nghiệp hiện tại có thể bị đẩy vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Tuy nhiên, những hậu quả này có thể chỉ được nhận biết sau khi đã quá muộn.
Các thuật ngữ liên quan
Đổi mới tài chính
Đổi mới tài chính có thể có hại nhiều hơn là có ích, và khi đó nó được coi là sự sáng tạo mang tính hủy diệt. Thuật ngữ sự sáng tạo mang tính hủy diệt đã trở nên thông dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, do các sản phẩm phái sinh và các khoản thế chấp phi truyền thống là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái, khiến hàng triệu người mất việc làm và nền kinh tế thiệt hại hàng nghìn tỉ đôla.
Lĩnh vực công nghệ
Có rất nhiều ví dụ về sự sáng tạo mang tính hủy diệt trong lĩnh vực công nghệ, do hiệu ứng mạng và sự phụ thuộc lối mòn có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành này. Một ví dụ nổi bật về sự sáng tạo mang tính hủy diệt là việc các mẫu thiết bị điện tử mới thay thế các phiên bản cũ hơn gần như được ra mắt liên tục, mà chỉ cung cấp một ít chức năng mới và không tương thích ngược.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng bị mắc kẹt do đã chi tiền cho các thiết bị và thiết bị không tương thích với công nghệ hoặc tiêu chuẩn mới, mặc dù chức năng cơ bản của chúng cũng giống với các thiết bị mới hơn.
Hàng tiêu dùng
Các ví dụ khác về sự sáng tạo mang tính hủy diệt bao gồm sự ra đời của các công cụ và thiết bị giải quyết vấn đề cho người tiêu dùng, nhưng cũng gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng hoặc môi trường, có thể dẫn đến thiệt hại lâu dài không thể hồi phục được.
Ví dụ như việc cà phê viên nén và những máy pha cà phê chuyên dụng trở nên phổ biến tại văn phòng và công sở. Tuy thuận tiện nhưng chúng làm gia tăng một lượng lớn chất thải khi tạo ra rất nhiều vỏ bọc bị vứt đi và cần phải xử lí.
(Theo investopedia)