1. Quản trị kinh doanh

Sự lỗi thời có tính toán (Planned Obsolescence) là gì? Ảnh hưởng tới người tiêu dùng

Mục Lục

Sự lỗi thời có tính toán

Sự lỗi thời có tính toán trong tiếng Anh là Planned Obsolescence.

Sự lỗi thời có tính toán là một chiến lược được nhà sản xuất thực hiện bằng cách cố tình làm cho phiên bản hiện tại của sản phẩm trở nên lỗi thời hoặc vô dụng sau một khoảng thời gian nhất định. Chiến lược này nhằm đảm bảo người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm thay thế trong tương lai, nhờ đó làm tăng nhu cầu.

Việc khiến cho sản phẩm hiện tại trở nên lỗi thời được thực hiện qua hai cách chính: Cố tình thiết kế sao cho sản phẩm tự hỏng hóc hoặc trục trặc sau một thời gian sử dụng; hoặc cho ra mắt dòng sản phẩm mới với những tính năng vượt trội hơn hẳn. Trong cả hai trường hợp, về mặt lí thuyết, người tiêu dùng sẽ ưu tiên các sản phẩm thế hệ tiếp theo hơn các sản phẩm cũ.

Một số lĩnh vực nổi tiếng với sự lỗi thời có tính toán hơn những lĩnh vực khác. Trong thời trang, người ta dễ dàng chấp nhận rằng tất nylon sẽ bị rách, do đó chúng cần được thay thế thường xuyên.

Trong công nghệ, chu kì thay thế các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh thường là từ hai đến ba năm, do các bộ phận bắt đầu bị hao mòn; và các phiên bản phần mềm và hệ điều hành mới ít tương thích với phần cứng cũ. Hơn nữa, phần mềm cũng thường được thiết kế để tích hợp các tính năng và loại tệp mới không tương thích với các phiên bản cũ của chương trình.

Phần cứng máy tính cũng là một ví dụ cho sự lỗi thời có tính toán, bởi vì khả năng tính toán trong các bộ vi xử lí thường tuân theo Định luật Moore, chỉ ra rằng qua từng năm, số lượng chip bán dẫn trong mạch tích hợp sẽ được tăng gấp đôi, và do đó tăng gấp đôi hiệu suất hoạt động.

Cuối cùng, lỗi thời có tính toán cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô do họ tung ra các phiên bản mới của các mẫu xe hàng năm.

Ảnh hưởng của sự lỗi thời có tính toán tới người tiêu dùng

Người tiêu dùng thường phản ứng tiêu cực trước sự lỗi thời có tính toán, đặc biệt là nếu các thế hệ sản phẩm mới không cung cấp nhiều cải tiến so với các phiên bản trước. Các thương hiệu có thể bị khách hàng tẩy chay bởi nhu cầu giả tạo ra từ phương pháp này.

Tuy nhiên, sự lỗi thời có tính toán không phải lúc nào cũng bị chỉ trích. Các công ty có thể sử dụng chiến lược này đơn thuần như một biện pháp để kiểm soát chi phí. Ví dụ, một nhà sản xuất điện thoại di động có thể quyết định sử dụng các linh kiện có tuổi thọ tối đa là 5 năm thay vì 20 năm.

Ví dụ về sự lỗi thời có tính toán của Apple

Apple đã công bố kế hoạch "đổi cũ lấy mới", tức là chấp nhận thu lại iPhone cũ và cho phép khách hàng bù thêm tiền để mua iPhone mới. Các nhà quan sát chỉ ra rằng động thái này có mục đích rõ ràng ty là rút ngắn chu kì thay thế điện thoại và kích thích cầu của người tiêu dùng cho thế hệ iPhone mới.

Mặc dù Apple đã từ chối thừa nhận rằng công ty tham gia vào sự lỗi thời có tính toán, một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy một số bản nâng cấp iOS đã làm chậm tốc độ xử lí của các mẫu iPhone cũ hơn. Vào ngày 21 tháng 12 năm 2017, một vụ kiện tập thể về vấn đề này đã được đệ trình để chống lại Apple.

Tất nhiên, không chỉ Apple, mà các nhà sản xuất khác, như các nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng Android cũng phát hành các phiên bản mới của sản phẩm hàng năm. Ngoài ra, một số nhà kinh tế lập luận rằng sự lỗi thời có tính toán thúc đẩy tiến bộ công nghệ. 

(Theo investopedia)

Thuật ngữ khác