Sốc văn hóa (Culture shock) là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến nhà quản trị?
Mục Lục
Sốc văn hóa
Sốc văn hóa trong tiếng anh là Culture shock.
Sốc văn hóa là tình trạng tinh thần và thể chất tác động tới một người khi mọi thứ trước kia từng quen thuộc với họ như ngôn ngữ, thức ăn, tiền tệ, các giá trị,... đột nhiên biến mất bởi vì họ đã đi tới một nền văn hóa mới.
Có thể lấy ví dụ về sốc văn hóa bằng việc khi một nhà quản trị, một doanh nhân thành công và được kính trọng ở đất nước của mình nhưng lại gần như không thể thực hiện được điều gì, phụ thuộc vào người khác (trong trường hợp này là phụ thuộc vào một người phiên dịch) để thực hiện hầu hết các hình thức giao tiếp.
Tầm ảnh hưởng của sốc văn hóa
Bị sốc về văn hóa là kết quả của sự lo lắng khi chúng ta mất đi tất cả những dấu hiệu quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày cũng như giao tiếp xã hội. Tác động của sốc văn hóa được tích tụ và đôi khi phát triển một cách vô thức khi chúng hình thành trong một sự việc không hài lòng rất nhỏ, mỗi lần không thể hiện được ý muốn của mình và mỗi lần thất bại trong công việc.
Tác động của cú sốc văn hóa có thể bị phức tạp thêm khi các nhà quản trị làm việc trong một môi trường mà những khác biệt về điều kiện vật chất rõ ràng.
Sốc văn hóa ảnh hượng mạnh đến kết quả công việc của các nhà quản trị, các triệu chứng thường gặp nhất là các nhà quản trị quốc tế làm việc trên toàn thế giới cảm thấy bị cô lập, lo lắng, thâm hụt hiệu năng và bất lực.
Sốc văn hóa có thể tác động thực sự tới kết quả của một cam kết kinh doanh. Tác động tiêu cực rõ ràng nhất là sự phản kháng với một đối tác kinh doanh nước ngoài, sự phản kháng và hoài nghi có thể hình thành đối với đại diện của một nền văn hóa khác có thể có những biểu hiện công khai dẫn đến không thực hiện được các mục tiêu kinh doanh.
Nhưng có một mối nguy hiểm khác và thường là tinh vi hơn: thay vì việc có thái độ chống đối một nền văn hóa và những đối tác kinh doanh mới, từ bỏ quan hệ kinh doanh, một nhà quản trị sẽ rất dễ hài lòng và có thể đồng ý với mọi thứ, chỉ để quay về nước và thoát khỏi các áp lực. Sự mất kiên nhẫn này có thể tạo ra những điều tồi tệ cho công việc kinh doanh, khiến cho công ty bị bất lợi rất nhiều.
Quản trị các cú sốc văn hóa
Quản trị các cú sốc văn hóa trong kinh doanh quốc tế là tạo nên một sự khác biệt giữa thất bại và thành công. Dưới đây là một số gợi ý để chống lại sốc văn hóa:
- Sốc văn hóa có tính chu kì, cố gắng duy trì một quan điểm trung dung.
- Duy trì một tinh thần phiêu lưu
- Tránh nhạo báng
- Hãy tham gia. Chống lại sự thờ ơ, ngại tiếp xúc hoặc hợp tác với một nền văn hóa mới, sự trốn tránh sẽ chỉ làm tăng những giới hạn và đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ có thể quen với nền văn hóa mới đó.
- Thể hiện sự say mê học hỏi
- Hãy viết nhật kí. Ghi lại những kinh nghiệm và ấn tượng sẽ giúp bạn tập trung vào việc học hỏi nền văn hóa mới và duy trì động lực cho bạn phát triển năng lực cá nhân.
- Quan tâm đến sức khỏe cá nhân
- Hãy đi dạo nhiều quanh nơi bạn sinh sống và làm việc
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)