Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo (Leadership Grid) là gì? Đặc điểm và phân loại
Mục Lục
Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo
Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo trong tiếng Anh là Leadership Grid.
Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo là một mô hình lãnh đạo hành vi được phát triển vào những năm 1950 bởi nhà kinh tế học Robert Blake và Jane Mouton. Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo trước đây được gọi là sơ đồ mạng lưới quản lí, được xây dựng dựa trên hai khía cạnh hành vi: mối quan tâm đối với sản xuất, được vẽ trên trục X theo thang điểm từ 1 đến 9; và mối quan tâm đối với con người, được vẽ trên một tỉ lệ tương tự dọc theo trục Y.
Mô hình xác định 5 phong cách lãnh đạo theo vị trí tương đối của họ trên lưới:
- Lãnh đạo yếu (quan tâm đến sản xuất = 1; quan tâm đến con người = 1)
- Lãnh đạo độc tài (quan tâm đến sản xuất = 9; quan tâm đến con người = 1)
- Lãnh đạo trung tính (quan tâm đến sản xuất = 5; quan tâm đến con người = 5)
- Lãnh đạo câu lạc bộ (quan tâm đến sản xuất = 1; quan tâm đến con người = 9)
- Lãnh đạo nhóm (quan tâm đến sản xuất = 9; quan tâm đến con người = 9)
Đặc điểm của Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo
Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo chứng minh rằng việc quá quan tâm tới một lĩnh vực mà không để ý đến lĩnh vực khác sẽ làm giảm năng suất hiệu quả của công ty. Mô hình đề xuất rằng phong cách lãnh đạo nhóm, thể hiện mức độ quan tâm cao đối với cả sản xuất và con người, có thể giúp tăng năng suất của nhân viên.
Một số lợi ích khi sử dụng Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo bao gồm việc tăng cường khả năng đo lường hiệu suất của công ty và cho phép tự phân tích về phong cách lãnh đạo của một người. Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các tổ chức và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một số hạn chế đối với Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo. Ví dụ, nó có thể cung cấp một sự tự đánh giá thiếu sót, một phần là do việc sử dụng ít dữ liệu để dễ đưa ra kết quả hơn. Mô hình cũng không tính đến nhiều yếu tố, ví dụ như môi trường làm việc mà người lãnh đạo hoặc người quản lí đang hoạt động, cũng không tính đến vai trò của các biến nội bộ và tác động bên ngoài.
Phân loại các nhóm lãnh đạo trong Sơ đồ mạng lưới lãnh đạo
Phong cách "Lãnh đạo yếu" trong mô hình là phong cách thể hiện ít quan tâm đến con người và sản xuất. Các nhà lãnh đạo này chỉ tập trung vào sự phát triển của bản thân trong tổ chức hơn là những vấn đề phản hồi tới họ.
Phong cách "Lãnh đạo độc tài" chỉ tập trung vào sản xuất và không coi trọng nhu cầu của con người. Người lãnh đạo này thường sẽ phải đối mặt với tỉ lệ bất đồng cao trong nhóm do kiểm soát kỉ luật quá chặt và không coi trọng yêu cầu của nhân viên.
Phong cách "Lãnh đạo trung tính" mang lại sự cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu của nhân viên và đáp ứng yêu cầu của tổ chức về sản xuất, nhưng đều chỉ ở mức trung bình. Điều này có thể dẫn đến kết quả trung bình và dưới trung bình đối với hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên.
Phong cách "Lãnh đạo câu lạc bộ" có nghĩa là người quản lí chú trọng vào nhu cầu của nhân viên hơn tất cả các khía cạnh khác. Việc này khiến cho năng suất của nhân viên được cải thiện, nhưng lại không đảm bảo được năng suất sẽ luôn cao.
Phương pháp "Lãnh đạo nhóm" được coi là hình thức lãnh đạo hiệu quả nhất bởi những người tạo ra mô hình này. Nhà lãnh đạo cho thấy cam kết trao quyền cho nhân viên cũng như hướng tới tăng năng suất của toàn tổ chức. Bằng cách khuyến khích người lao động hoạt động như một đội nhóm, họ sẽ có nhiều động lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
(Theo Investopedia)