Rủi ro phát hiện (Detection risk) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Rủi ro phát hiện
Rủi ro phát hiện trong tiếng Anh được gọi là detection risk - DR.
Rủi ro phát hiện là một bộ phận cấu thành của rủi ro kiểm toán.
Rủi ro kiểm toán là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp khi báo cáo tài chính đã được kiểm toán còn chứa đựng sai sót trọng yếu. Rủi ro kiểm toán là hệ quả của rủi ro có sai sót trọng yếu (gồm rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát) và rủi ro phát hiện. (Theo VSA 200)
Rủi ro phát hiện là rủi ro mà trong quá trình kiểm toán, các thủ tục mà kiểm toán viên thực hiện nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán xuống tới mức thấp có thể chấp nhận được nhưng vẫn không phát hiện được hết các sai sót trọng yếu khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại. (Theo VSA 200)
Như vậy, rủi ro phát hiện là khả năng khi đã áp dụng những thủ tục kiểm toán nhưng Kiểm toán viên vẫn không phát hiện được các sai lệch trọng yếu của báo cáo tài chính.
Đặc điểm
Ngược lại với rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thu thập các bằng chứng kiểm toán nhằm quản lí và kiểm soát đối với rủi ro phát hiện.
Rủi ro phát hiện liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán viên và công ty kiểm toán. Tùy theo tình hình của đơn vị, Kiểm toán viên sẽ tăng giảm công việc kiểm toán của mình để đạt được mục đích cuối cùng là rủi ro kiểm toán được giảm xuống thấp đến mức thấp chấp nhận được với chi phí hợp lí.
Cần nhận thức rằng rủi ro phát hiện vẫn có thể xảy ra dù đã kiểm tra 100% số dư và nghiệp vụ, vì có thể Kiểm toán viên đã chọn lựa và áp dụng phương pháp kiểm toán không phù hợp, hoặc giải thích sai hoặc nhận định sai về kết quả kiểm tra.
Thí dụ như do Kiểm toán viên thiếu kiểm tra thông tin của các trợ lí thu thập, nên tổng hợp và nhận định sai, hoặc kiểm toán viên thực hiện các thủ tục kiểm toán không thích hợp.
Ví dụ để xác minh mục tiêu kiểm toán về quyền và nghĩa vụ đối với hàng tồn kho mà kiểm toán viên chỉ thực hiện phương pháp kiểm kê cho rằng hàng tồn kho thực sự tồn tại và cho rằng đều là tài sản thuộc quyền sở hữu của đơn vị mà không làm thêm bất cứ thủ tục kiểm toán nào bổ sung.
(Tài liệu tham khảo: Các khái niệm cơ bản thuộc nội dung kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)