Rủi ro đâm va (Collison Risk) trong bảo hiểm vận tải quốc tế là gì?
Mục Lục
Rủi ro đâm va (Collison Risk)
Rủi ro đâm va - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Collison Risk.
Rủi ro đâm va là những thiệt hại về vật chất của đối tượng được bảo hiểm do rủi ro đâm va gây ra. Rủi ro đâm va nói đến trách nhiệm của người bảo hiểm đối với bản thân con tàu và hàng hóa bị tổn thất.
Trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra rủi ro đâm va
Trong trường hợp 2 tàu đâm va vào nhau, thường xảy ra 3 trường hợp:
Cả hai tàu đều không có lỗi
Ví dụ hai tàu đậu gần nhau gặp bão lớn xô vào nhau. Như vậy cả hai tàu đều không có lỗi, do đó không phân chia trách nhiệm đâm va. Rủi ro gây nên tổn thất cho bên nào thì bên đó chịu. Nếu chủ tàu có mua bảo hiểm thì nếu tàu bị thiệt hại, nhà bảo hiểm phải bồi thường cho người chủ tàu.
Trường hợp một bên hoàn toàn có lỗi
Bên có lỗi sẽ bồi thường cho bên kia toàn bộ những tổn thất do rủi ro đâm va gây ra. Nếu chủ tàu có mua bảo hiểm thì nhà bảo hiểm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất của tàu của người được bảo hiểm và kể cả những tổn thất mà người được bảo hiểm phải đền bù cho tàu bị đâm va.
Trường hợp cả hai bên đều có lỗi
Có thể do sơ suất trong việc lái tàu. Trước đây nếu trường hợp 2 tàu đều có lỗi thì người ta giải quyết theo cách gọi là trách nhiệm đơn (Single Liability). Đây là hình thức giải quyết đơn giản nhất. Theo đó, nếu chủ tàu bị tổn thất ít sẽ phải trả cho chủ tàu kia 1/2 số chênh lệch tổn thất giữa 2 tàu.
Hiện nay tập quán chung quốc tế trong trường hợp đâm va cả hai bên cùng có lỗi thường được giải quyết theo cách gọi là trách nhiệm chéo (Cross Liability). Theo cách này người ta phân định mức độ lỗi của đôi bên để giải quyết việc bồi thường cho hợp lí.
Chẳng hạn tàu A mắc lỗi 1/4, tàu B mắc lỗi 3/4 thì cứ theo tỉ lệ đó 2 tàu sẽ đền bù cho nhau. Nếu chủ tàu có mua bảo hiểm thì nhà bảo hiểm sẽ bồi thường theo điều khoản đâm va, tức là bồi thường 100% đối với tổn thất của tàu mình bảo hiểm và tỉ lệ phần trăm phạm lỗi của phần tổn thất mà tàu mình bảo hiểm đã thanh toán cho tàu kia. (Theo Giáo trình Vận tải quốc tế và Bảo hiểm vận tải quốc tế)