Rào cản vô hình (Glass Ceiling) là gì?
Mục Lục
Rào cản vô hình
Rào cản vô hình trong tiếng Anh được gọi là Glass Ceiling.
Rào cản vô hình là những rào cản không cho phụ nữ và dân tộc thiểu số được thăng tiến lên các vị trí cấp quản lí và điều hành (Managerial and executive level positions) trong một tổ chức.
Rào cản vô hình là phép nói ẩn dụ về những rào cản được tạo ra để ngăn cản phụ nữ được thăng tiến lên các vị trí quản lí cấp cao. Trong những năm gần đây, thuật ngữ này đã được mở rộng để ám chỉ tới cả sự phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số.
Cụm từ này mô tả những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt khi cố gắng đạt được các vị trí cao hơn trong hệ thống cấp bậc thường do nam giới thống trị. Đây là những rào cản bất thành văn, phụ nữ gần như bị hạn chế trong việc thăng tiến bởi các qui tắc được chấp nhận và những sự thiên vị ngầm chứ không phải do các chính sách của công ty.
Thuật ngữ rào cản vô hình được phổ biến trong một bài báo của tờ The Wall Street Journal về hệ thống cấp bậc doanh nghiệp năm 1986.
Biện pháp
Các công ty đã đối phó với sự bất bình đẳng này bằng cách tập trung vào các biện pháp thúc đẩy sự đa dạng. Ví dụ như các nhân viên tuyển dụng được giao nhiệm vụ phải đảm bảo cải thiện tình trạng bất bình đẳng ở các vị trí cấp quản lí.
Bằng cách tập trung vào các chính sách làm giảm hay loại bỏ rào cản vô hình, các công ty có thể đảm bảo những ứng cử viên chất lượng nhất được nắm giữ các vị trí ra quyết định (Decision-making positions).
Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhóm có sự đa dạng đưa ra những quyết định tốt hơn so với các nhóm có tính đồng nhất, vì vậy việc phá vỡ rào cản vô hình sẽ đêm lại những tác động tích cực cho kết quả kinh doanh sau thuế (Bottom line) của công ty.
Sự bất bình đẳng ở Mỹ
Ở Mỹ năm 2005, phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao đông, nhưng có chưa đến 10% số phụ nữ này có được các vị trí quản lí.
Tỉ lệ phần trăm phụ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao hơn có vẻ là cao hơn ở các công ty thuộc danh sách Fortune 500, tuy nhiên những phụ nữ nắm giữ vị trí CEO trong danh sách này lại có mức lương thấp hơn nam giới.
Năm 2019, có 33 phụ nữ là CEO của các công ty thuộc danh sách Fortune 500, đó là con số cao nhất từ trước tới nay nhưng vẫn chỉ chiếm 6,6% trong tổng số danh sách.
(Tài liệu tham khảo: Glass Ceiling, Investopedia)