Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao (Diplomatic privileges and immunities) là gì?
Mục Lục
Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao
Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao trong tiếng Anh là Diplomatic privileges and immunities.
Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao là quyền đặc biệt mà nước tiếp nhận dành cho cơ quan đại diện ngoại giao và viên chức, nhân viên của cơ quan này đóng tại nước mình nhằm tạo điều kiện để họ hoàn thành chức năng ngoại giao.
Thời điểm phát sinh và kết thúc quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao được qui định tại Điều 39, Điều 40 Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, theo đó người được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao có được các quyền đó ngay từ khi vào lãnh thổ nước tiếp nhận để nhậm chức hoặc từ khi bộ ngoại giao (hoặc bộ phận nào đó) của nước tiếp nhận được thông báo bổ nhiệm của nước cử đến nếu người đó đã có mặt ở lãnh thổ nước tiếp nhận.
Khi ở nước thứ ba, viên chức ngoại giao cũng được hưởng quyển ưu đãi, miễn trừ ngoại giao cần thiết để đến nước tiếp nhận nhậm chức hoặc để trở về nước mình. Các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao chấm dứt cùng với sự chấm dứt chức năng của viên chức hoặc nhân viên ngoại giao.
Nội dung của quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao
Nội dung của quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao tương đối rộng rãi, như quyền bất khả xâm phạm về trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, về tài liệu, thư tín ngoại giao, quyền bất khả xâm phạm về thân thể viên chức ngoại giao, quyền tự do liên lạc, ưu đãi về hải quan, về thuế...
Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương mà quan trọng nhất là Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao được thông qua tại Hội nghị Viên (Áo) ngày 14/6/1961:
Việc pháp luật quốc tế qui định nước nhận đại diện phải dành các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao cho cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức và nhân viên của cơ quan này "không phải để làm lợi cho cá nhân mà để đảm bảo cho các cơ quan đại diện ngoại giao hoàn thành có hiệu quả các chức năng của họ với tư cách là đại diện cho các nước" (Lời nói đầu Công ước Viên 1961).
Vì vậy, các viên chức, nhân viên ngoại giao không được lợi dụng các quyền ưu đãi và miễn trừ này để tiến hành các hoạt động vượt quá giới hạn cho phép hoặc nhằm chống lại nước sở tại. Nếu vi phạm, nước sở tại có thể ra tuyên bố không chấp nhận (persona-non-grata) đối với người đó.
Phù hợp với các qui định của pháp luật quốc tế, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật, trong đó có quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao như Pháp lệnh hải quan năm 1990, Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993...
(Tài liệu tham khảo: Công ước Viên 1961)