Quyền lực doanh nghiệp (Corporate Power) là gì? Mối liên hệ với quản trị và lãnh đạo
Mục Lục
Quyền lực doanh nghiệp
Quyền lực doanh nghiệp trong tiếng Anh được gọi là Corporate Power.
Quyền lực doanh nghiệp là đặc tính vốn có của doanh nghiệp được tạo ra từ thuộc tính của tổ chức và quyền chi phối tài sản của doanh nghiệp buộc mọi người trong doanh nghiệp phải phục tùng.
Quyền lực doanh nghiệp là khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết định và hành vi của người khác trong doanh nghiệp nó mang tính qui chế, cưỡng bức, buộc người thuộc phạm vi quyền lực của doanh nghiệp kiểm soát phải tuân thủ nếu vẫn muốn tồn tại trong doanh nghiệp cho dù họ muốn hay không muốn, tán đồng hay không tán đồng.
Quyền lực doanh nghiệp có tính hiện hữu, mọi người trong doanh nghiệp dễ dàng nhận biết được sức mạnh và sự hiện diện của nó.
Người đại diện hợp pháp mang tính công khai cho quyền lực doanh nghiệp bao gồm những người quản trị cao nhất tức cũng là nhà lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp theo cách thường hiểu hiện nay.
Quản trị, lãnh đạo và quyền lực doanh nghiệp
Quản trị đại diện cho quyền lực doanh nghiệp. Các nhà quản trị sử dụng quyền lực doanh nghiệp để đặt ra qui chế và cơ chế vận hành doanh nghiệp, đòi hỏi mọi người trong doanh nghiệp phải phục tùng.
Còn các nhà lãnh đạo lại là những người gây ảnh hưởng để cho quy chế và cơ chế vận hành được thông suốt, trở thành hiện thực; họ đòi hỏi mọi người phải tận tâm hành động.
Nhà lãnh đạo có thể đồng thời là nhà quản trị khi họ có địa vị, chức quyền trong doanh nghiệp trực tiếp gây ảnh hưở ng đến những người khác thuộc phạm vi chức quyền được giao phó.
Tuy nhiên người lãnh đạo không nhất thiết là nhà quản trị vì trong một doanh nghiệp, có thể có không ít người không có chức danh, quyền hạn gì trong doanh nghiệp nhưng họ lại thực sự là người lãnh đạo, họ lôi cuốn và kích thích người khác trong tổ chức làm việc có hiệu quả.
Thuật ngữ liên quan
Lãnh đạo trong doanh nghiệp là quá trình tạo và gây ảnh hưởng của chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo các cấp lên đối tượng và khách thể quản trị nhằm đạt được mục tiêu quản trị doanh nghiệp trong môi trường cụ thể.
(Tài liệu tham khảo: Tâm lí học lãnh đạo và quản lí, PGS.TS. Đỗ Thị Hải Hà, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)