Quĩ ETF (Exchange-traded fund) là gì?
Mục Lục
Quĩ ETF (Exchange-traded fund)
Quĩ ETF trong tiếng Anh là Exchange-traded fund. Quĩ ETF là quĩ đầu tư với mục đích mô phỏng tỉ suất sinh lợi của chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá hoặc tài sản nào đó. (Theo HSC, Tổng quan các quĩ ETF hoạt động trên TTCK Việt Nam)
Bản chất
- Quĩ ETF vừa mang đặc điểm của một quĩ đầu tư, vừa mang đặc điểm của một cố phiếu được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán.
- ETFs là chứng chỉ tín thác, cung cấp cho các nhà đầu tư quyền hưởng lợi theo một tỉ lệ nhất định đối với phần vốn và dòng tiền của các chứng khoán được giữ bởi các tổ chức tài chính phát hành chứng chỉ đó.
- Có nghĩa là, một danh mục chứng khoán được nắm giữ ở một tổ chức tài chính hoặc một quĩ đầu tư uỷ thác, sau đó một chứng chỉ chung sẽ được phát hành đại diện cho quyền sở hữu danh mục. Theo cách này, ETFs tương tự như chứng chỉ Uỷ thác Hoa Kỳ (American depository receipts - ADRs).
Ví dụ điển hình về ETFs
(1) Chứng chỉ uỷ thác Standard & Poor's 500 (Standard & Poor's 500 Depository Receipts - SPDRSs hay đôi lúc còn được gọi là "Spider"), một loại chứng chỉ uỷ thác đầu tư dựa trên tất cả các chứng khoán của S&P 500.
(2) iShares, một loại chứng chỉ uỷ thác đầu tư dựa trên chỉ số ở các thị trường cổ phiếu phát triển và mới nổi, bao gồm cả các nước như Úc, Mexico, Malaysia, Anh, Pháp, Đức, Nhật và Trung Quốc
(3) ETPs ngành, là loại ETFs đầu tư vào một nhóm chứng khoán trong một ngành nhất định, bao gồm dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ, dịch vụ tài chính, năng lượng, tiện ích công và vận chuyển hàng hoá.
Lợi thế của ETFs
- ETF trở thành một hình thức đầu tư phân tán rủi ro tốt và chi phí khá thấp (thường dưới 1%). Chính điều này đã giúp quĩ ETF thu hút các nhà đầu tư tổ chức, cũng như các cá nhân đầu tư vào ETF với mục tiêu nắm giữ lâu dài hoặc phục vụ chiến lược giao dịch ngắn hạn.
- Cơ chế hoạt động của ETF cũng làm cho giá chứng chỉ quĩ thường theo sát giá trị tài sản ròng (NAV), chứ không biến động quá xa như các quĩ tương hỗ.
- ETFs có thể mua, bán (và bán khống) giống như các chứng khoán thông thường thông qua một thị trường tập trung hoặc phi tập trung.
- Hơn nữa, nó có thể được hậu thuẫn bởi các nhà tài trợ, những người có khả năng thay đổi thành phần của các danh mục đầu tư tương ứng với sự thay đổi trong thành phần các chỉ số.
Ví dụ SPDR, nhà tài trợ chính là PDR Services LLC, một công ty trách nhiệm hữu hạn với thành viên duy nhất chính là Sở giao dịch chứng khoán Mỹ, nơi mà cổ phiếu của SPDR niêm yết.
- Những lợi thế khác của ETFs so với các quĩ đầu tư chỉ số bao gồm việc không phải chi trả những khoản chi phí quản lí, khả năng giao dịch liên tục khi thị trường còn đang mở cửa và khả năng tính toán một cách chính xác các vấn đề liên quan đến thuế của các khoản tăng vốn.
Hạn chế
- Mặc dù có rất nhiều lợi thế so với các quĩ đầu tư theo chỉ số thông thường, ETFs cũng tồn tại hạn chế. Bất lợi nằm ở chi phí môi giới và việc ETFs không có khả năng tái đầu tư vào cổ tức trừ khi là đầu tư theo quí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Phân tích đầu tư chứng khoán, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Tìm Hiểu Hoạt Động Của Quỹ Đầu Tư ETF Tại Việt Nam - Saga)