Quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng là gì?
Mục Lục
Quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng (State Management in Construction Investment)
Quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là State Management in Construction Investment.
Quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực của Nhà nước vào các quá trình, các quan hệ kinh tế - xã hội trong đầu tư xây dựng từ bước xác định dự án đầu tư để thực hiện đầu tư và cả quá trình đưa dự án vào khai thác sử dụng đạt mục tiêu đã định nhằm đảm bảo hướng ý chí và hành động của các chủ thể kinh tế vào mục tiêu chung, kết hợp hài hoà lợi ích của cá nhân, tập thể và lợi ích của Nhà nước.
Nguyên tắc quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng
Do những đặc thù riêng của hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động quản lí nhà nước trong đầu tư xây dựng cũng như từng tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng còn phải tuân theo những nguyên tắc riêng phản ảnh những tư tưởng chỉ đạo sâu đối với hoạt động xây dựng và quản lí đầu tư xây dựng.
Thứ nhất
- Nhà nước thống nhất quản lí đầu tư xây dựng đối với tất cả các thành phần kinh tế về mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội; qui hoạch và kế hoạch phát triển ngành, lãnh thổ; qui hoạch và kế hoạch xây dựng đô thị và nông thôn; qui chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng; lựa chọn công nghệ, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; thiết kế kĩ thuật, kiến trúc, xây lắp, bảo hiểm, bảo hành công trình và các khía cạnh xã hội khác của dự án;
- Huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn vốn đầu tư;
- Qui định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lí Nhà nước, chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn, các doanh nghiệp xây dựng, cung ứng vật tư thiết bị trong quá trình đầu tư xây dựng.
Thứ hai
Các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng phải:
- Thực hiện đúng trình tự đầu tư xây dựng.
- Bảo đảm xây dựng công trình theo đúng qui hoạch, thiết kế, đảm bảo mĩ quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng;
- Tuân thủ qui chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng;
- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, phòng chống cháy nổ…
- Xây dựng đồng bộ trong từng công trình, đồng bộ các công trình hạ tầng kĩ thuật.
- Tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát. (Theo Giáo trình Luật đầu tư và xây dựng, NXB Giao thông vận tải)