1. Thuế

Quan hệ pháp luật thuế (Tax Law Relations) là gì?

Mục Lục

Quan hệ pháp luật thuế (Tax Law Relations)

Quan hệ pháp luật thuế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Tax Law Relations.

Các quan hệ xã hội xuất hiện do những yêu cầu liên hệ vật chất giữa nhà nước với dân chúng và chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, song quyết định nhất vẫn là yếu tố nhà nước. 

Để phục vụ lợi ích của mình và tạo ra trật tự chung cho xã hội, nhà nước dùng qui phạm pháp luật như một qui tắc xử sự chung nhằm tập trung nguồn thu từ thuế vào ngân sách nhà nước. Quan hệ thu, nộp thuế thực hiện trên cơ sở các qui phạm pháp luật đã trở thành quan hệ pháp luật thuế. (Theo Giáo trình Luật Thuế Việt Nam, NXB Công an Nhân dân).

Đặc điểm của quan hệ pháp luật thuế

Thứ nhất, quan hệ pháp luật thuế mang nặng tính quyền uy. Hệ quả của quan hệ pháp luật thuế là sự chuyển giao một khối lượng tài sản (có thể dưới hình thức giá trị hoặc dưới hình thức hiện vật, tuỳ thuộc vào từng thời kì) từ người nộp thuế cho nhà nước, vì vậy việc nộp thuế không phải là sự lựa chọn của đối tượng nộp thuế mà do yêu cầu của nhà nước. 

Quyền và nghĩa vụ pháp lí trong quan hệ pháp luật thuế được đảm bảo thực hiện thông qua các biện pháp cưỡng chế nhà nước.

Thứ hai, quan hệ pháp luật thuế thường qui định cụ thể những quyền và nghĩa vụ pháp lí của các bên tham gia quan hệ. Tuy vậy, cho dù cụ thể đến đâu, các qui định này vẫn chỉ là "qui tắc xử sự" mà không thể qui định tất cả hoặc dự liệu được tất cả điều kiện mà quan hệ pháp luật thuế sẽ diễn ra. 

Vì vậy, các xử sự thực tế sẽ làm rõ ràng hơn, chi tiết hơn các qui định pháp luật nhưng không được làm trái pháp luật thuế cụ thể.

Thứ ba, một bên tham gia quan hệ pháp luật thuế bao giờ cũng là cơ quan quản lí thuế.

Các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế

Bất kì quan hệ pháp luật thuế nào, cơ cấu chủ thể cũng được xác định. Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thuế là các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện do nhà nước qui định cho từng loại thuế.

Về nguyên tắc, các đối tượng này đều phải đảm bảo năng lực chủ thể pháp luật. Trong quan hệ pháp luật thuế, có hai loại chủ thể cơ bản là các cơ quan quản lí, thu thuế và đối tượng nộp thuế.

Các cơ quan quản lí và thu thuế

Pháp luật Việt Nam qui định các cơ quan trong hệ thống cơ quan tài chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện hoạt động quản lí và thu thuế trên lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan này có quan hệ hữu cơ với nhau trên cơ sở chức năng nhiệm, vụ và quan hệ công tác trong từng thời kì.

- Cơ quan thuế có nhiệm vụ thu các khoản thuế phát sinh trên cơ sở các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước.

- Cơ quan hải quan có nhiệm vụ quản lí và thu các loại thuế gắn với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối tượng nộp thuế

Đối tượng nộp thuế là tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện phải nộp một loại thuế nhất định. Các văn bản pháp luật thuế cụ thể qui định rõ đối tượng này. (Theo Giáo trình Luật Thuế Việt Nam, NXB Công an Nhân dân).

Thuật ngữ khác