Phương pháp phân tích độ nhạy (Sensitivity analysis) trong thẩm định dự án là gì?
Mục Lục
Phương pháp phân tích độ nhạy trong thẩm định dự án
Phương pháp phân tích độ nhạy trong tiếng Anh được gọi là Sensitivity analysis.
Khi thực hiện thẩm định dự án có thể sử dụng rất nhiều các phương pháp và kĩ thuật thẩm định dự án khác nhau.
Phương pháp phân tích độ nhạy là một trong những phương pháp thẩm định được sử dụng phổ biến để thẩm định dự án.
Phương pháp phân tích độ nhạy là việc xem xét sự thay đổi của các chỉ tiêu hiệu quả tài chính khi các yếu tố có liên quan đến chỉ tiêu đó thay đổi.
Thẩm định dự án đầu tư là việc tổ chức xem xét đánh giá một cách khách quan, khoa học và toàn diện các nội dung cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện và hiệu quả của dự án để từ đó ra quyết định đầu tư, cho phép đầu tư hoặc tài trợ vốn cho dự án.
Theo Luật đầu tư năm 2014: Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Qui trình thực hiện
Qui trình thực hiện phương pháp phân tích độ nhạy gồm ba bước sau:
Bước 1: Xác định các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu hiệu quả xem xét
Bước 2: Cho các yếu tố đó thay đổi (tăng hoặc giảm) theo một tỉ lệ nhất định (thông thường là 5%,10% hoặc 15%)
Bước 3: Tính lại các chỉ tiêu hiệu quả và đưa ra kết luận
Nếu có nhiều yếu tố bất lợi xảy ra đối với dự án (như vượt tổng mức vốn đầu tư, công suất giảm, giá đầu vào tăng, giá tiêu thụ sản phẩm giảm...) mà dự án vẫn đạt được hiệu quả thì dự án đó được coi là đạt hiệu quả vững chắc về mặt tài chính.
Ưu nhược điểm và ứng dụng
- Ưu điểm
Giúp biết được dự án nhạy cảm với yếu tố nào để từ đó có biện pháp quản lí phù hợp, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện dự án
Giúp lựa chọn được những dự án có độ an toàn cao
Giúp đánh giá rủi ro tài chính dự án
- Nhược điểm
Chỉ xem xét sự thay đổi của từng yếu tố trong khi kết quả lại chịu tác động của nhiều yếu tố cùng một lúc
Điểm bắt đầu của phân tích độ nhạy là các giả định
-Ứng dụng
Được sử dụng để đánh giá rủi ro của các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án.
(Tài liệu tham khảo: Công tác tổ chức và phương pháp thẩm định dự án, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)