Phương pháp Nhập sau, xuất trước (Last In, First Out - LIFO) là gì? Đặc điểm và ví dụ
Mục Lục
Phương pháp Nhập sau, xuất trước
Phương pháp Nhập sau, xuất trước trong tiếng Anh là Last In, First Out, viết tắt là LIFO.
Nhập sau, xuất trước (LIFO) là một phương pháp được sử dụng để tính toán hàng tồn kho ghi lại các mặt hàng được sản xuất gần đây nhất sẽ được bán trước hay xuất trước.
Theo LIFO, chi phí của các sản phẩm được mua gần đây nhất (hoặc sản xuất sau) là chi phí đầu tiên được chi trả như giá vốn hàng bán (COGS), có nghĩa là chi phí thấp hơn của các sản phẩm cũ sẽ được báo cáo là hàng tồn kho.
Hai phương pháp thay thế để tính chi phí hàng tồn kho bao gồm phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO), trong đó các mặt hàng tồn kho để lâu nhất sẽ được bán trước; và phương pháp chi phí trung bình, lấy trung bình trọng số của tất cả các đơn vị có sẵn để bán trong kì kế toán và sau đó sử dụng chi phí trung bình đó để xác định giá vốn hàng bán và hàng tồn kho cuối kì.
Đặc điểm của phương pháp Nhập sau, xuất trước (LIFO)
Nhập sau, xuất trước (LIFO) chỉ được sử dụng ở Mỹ, nơi cả 03 phương pháp chi phí hàng tồn kho có thể được sử dụng theo các Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) vì Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cấm sử dụng phương pháp LIFO.
Các công ty sử dụng định giá hàng tồn kho LIFO thường là những công ty có hàng tồn kho tương đối lớn, chẳng hạn như nhà bán lẻ hoặc đại lí ô tô, có thể tận dụng được thuế thấp khi giá tăng và dòng tiền cao hơn.
Mặc dù vậy, nhiều công ty ở Mỹ thích sử dụng FIFO, bởi vì nếu một công ty sử dụng định giá LIFO khi nộp thuế, họ cũng phải sử dụng LIFO khi báo cáo kết quả tài chính cho các cổ đông, làm giảm thu nhập ròng và giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu.
Phương pháp LIFO trong mối quan hệ với Lạm phát và Thu nhập ròng
Khi không có lạm phát, cả 03 phương pháp chi phí hàng tồn kho đều cho kết quả như nhau. Nhưng nếu lạm phát cao, việc lựa chọn phương pháp kế toán chi phí hàng tồn kho có thể ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ định giá. FIFO, LIFO và chi phí trung bình có tác động khác nhau:
- FIFO là chỉ số tốt hơn về giá trị của hàng tồn kho cuối kì (trên bảng cân đối kế toán), nhưng nó cũng làm tăng thu nhập ròng vì hàng tồn kho có thể trải qua vài năm mới được sử dụng để định giá COGS. FIFO làm tăng thu nhập ròng, nhưng nó cũng có thể làm tăng các khoản thuế mà công ty phải chịu.
- LIFO không phải là một chỉ số tốt về việc tính giá trị hàng tồn kho cuối kì vì nó có thể vượt quá giá trị của hàng tồn kho. LIFO làm cho thu nhập ròng (và thuế) thấp hơn vì giá vốn hàng bán cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện bút toán giảm (Write-down) sẽ ít hơn đối với hàng tồn kho theo LIFO trong quá trình lạm phát.
- Chi phí trung bình (Average cost method) tạo ra kết quả nằm ở đâu đó giữa phương pháp FIFO và LIFO.
Ví dụ thực tế về phương pháp LIFO so với FIFO
Giả sử công ty A có 10 sản phẩm. 05 sản phẩm đầu tiên có giá $100 mỗi cái và đến kho 02 ngày trước. 05 sản phẩm cuối cùng có giá $200 mỗi cái và đến cách đây 01 ngày trước. Dựa trên phương pháp quản lí hàng tồn kho LIFO, các sản phẩm cuối cùng trong số đó là những sản phẩm đầu tiên được bán. 07 sản phẩm được bán, nhưng kế toán viên có thể ghi nhận chi phí như thế nào?
Mỗi sản phẩm có cùng giá bán, vì vậy doanh thu thu được là như nhau, nhưng chi phí của các sản phẩm sẽ khác nhau dựa trên phương pháp hàng tồn kho được chọn.
Dựa trên phương pháp LIFO, hàng tồn kho nhập cuối cùng là hàng tồn kho đầu tiên được bán. Điều này có nghĩa là các sản phẩm có giá $200 được bán đầu tiên. Công ty sau đó đã bán thêm 02 trong số các sản phẩm có giá $100/ sản phẩm.
Tổng cộng, chi phí của các sản phẩm theo phương pháp LIFO là: $200*5 + $100*2 = $1.200.
Ngược lại, bằng cách sử dụng FIFO, các sản phẩm giá $100 sẽ được bán đầu tiên, tiếp theo là các sản phẩm giá $200. Vì vậy, chi phí của các sản phẩm được bán sẽ được ghi lại là: $100*5 + $200*2 = $900.
Đây là lí do tại sao trong thời kì giá tăng, LIFO tạo ra chi phí cao hơn và giảm thu nhập ròng, điều này cũng làm giảm thu nhập chịu thuế.
Tương tự như vậy, trong thời kì giá giảm, LIFO tạo ra chi phí thấp hơn và tăng thu nhập ròng, điều này cũng làm tăng thu nhập chịu thuế.
(Theo Investopedia)