Phương pháp khấu hao theo sản lượng (Units of Production Method) là gì?
Mục Lục
Phương pháp khấu hao theo sản lượng (Units of Production Method)
Phương pháp khấu hao theo sản lượng trong tiếng Anh là Units of Production Method.
Phương pháp khấu hao theo sản lượng được xác định bằng cách lấy sản lượng dự kiến sản xuất hàng năm nhân với mức trích khấu khao tính cho một đơn vị sản phẩm hoặc khối lượng công việc hoàn thành.
Điều kiện để tài sản cố định được trích khấu hao theo phương pháp sản lượng
Tài sản cố định (TSCĐ) tham gia vào hoạt động kinh doanh được trích khấu hao theo phương pháp này là các loại máy móc, thiết bị thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
– Trực tiếp liên quan đến việc sản xuất sản phẩm
– Xác định được tổng số lượng, khối lượng sản phẩm sản xuất theo công suất thiết kế của tài sản cố định
– Công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm tài chính không thấp hơn 100% công suất thiết kế
Công thức xác định
MKHt = QSPt x MKHsp
Trong đó
MKHt: Mức khấu hao TSCĐ ở năm t
QSPt: Số lượng sản phẩm sản xuất trong năm t
MKHsp: Mức khấu hao đơn vị sản phẩm
Chú ý
- Mức khấu hao đơn vị sản phẩm được tính bằng cách lấy nguyên giá TSCĐ phải tính khấu hao chia cho số lượng (hoặc khối lượng) sản phẩm sản xuất theo công suất thiết kế trong suốt thời gian hoạt động hữu ích của TSCĐ.
- Trường hợp tính khấu hao theo sản lượng từng tháng thì lấy số lượng hoặc khối lượng sản phẩm sản xuất trong tháng nhân với mức khấu hao bình quân cho một đơn vị sản phẩm.
Ví dụ
Doanh nghiệp X mua một xe vận tải có nguyên giá 500 triệu đồng, dự kiến sử dụng trong 10 năm, mỗi năm định mức vận chuyển là 20.000 tấn/km.
Như vậy mức trích khấu hao bình quân tính cho một đơn vị tấn/km hàng hóa vận tải là:
500 / (20.000 x 10) = 0,025 triệu đồng/tấn/năm
Giả định khối lượng công tác vận tải trong một năm nào đó thực hiện được là 30.000 tấn/km, mức khấu hao trong năm sẽ là:
30.000 x 0,025 = 75 (triệu đồng)
Ưu điểm
- Phương pháp khấu hao theo sản lượng thích hợp với những TSCĐ hoạt động có tính chất thời vụ trong năm và có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm.
- Do khấu hao được tính theo khối lượng sản phẩm hoặc công việc thực tế thực hiện nên phản ánh hợp lí hơn mức độ hao mòn của TSCĐ vào giá trị sản phẩm.
Hạn chế
Phương pháp khấu hao theo sản lượng đòi hỏi việc thống kê khối lượng sản phẩm, công việc do TSCĐ thực hiện trong kì phải được rõ ràng, đầy đủ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)