Phát triển thủy lợi (Irrigation Development) là gì? Những thách thức
Mục Lục
Phát triển thủy lợi
Phát triển thủy lợi trong tiếng Anh được gọi là Irrigation Development.
Phát triển thủy lợi là phát triển công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác, tiêu nước, chống ngập lụt góp phần phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Hiện trạng tại Việt Nam
Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và đầu tư lớn của nhà nước trong lĩnh vực này, nhưng nhiệm vụ phát triển thủy lợi vẫn còn những khó khăn, tồn tại.
Nhiều công trình, hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp; qui mô diện tích và cơ cấu sản xuất có nhiều thay đổi, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh.
Nhu cầu phát triển du lịch, dịch vụ gia tăng, một số công trình thủy lợi đã chuyển đổi mục đích sử dụng, yêu cầu về cấp nước, tiêu nước ngày càng cao gây sức ép lên hệ thống thủy lợi.
Về mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn để thực hiện chức năng quản lí nhà nước về thủy lợi và mô hình tổ chức quản lí khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương còn chưa thống nhất với nhiều mô hình khác nhau .v.v...
Thách thức
Cùng với tồn tại, phát triển thủy lợi cũng đang đứng trước những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, từ yêu cầu của hoạt động phát triển, gồm:
- Biến đổi khí hậu là tác nhân gây ra hiện tượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa hoặc mưa tập trung cường độ cao trong thời đoạn ngắn, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại, là những nguyên nhân gây nên tình trạng dòng chảy sông suối bị suy giảm, lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, xâm nhập mặn, v.v... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
- Hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở nhiều nơi đã gây sức ép lớn lên nhiệm vụ thủy lợi qua tác động làm suy giảm nguồn nước, lấn chiếm không gian cho nước;
Làm tăng nhu cầu cấp nước, nhu cầu tiêu thoát nước; tăng rủi ro ngập lụt do nước lũ, nước mưa; gây khó khăn cho hoạt động lấy nước do mực nước bị hạ thấp, mặn xâm nhập sâu, mực nước ngầm hạ thấp, ô nhiễm nguồn nước.
- Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông liên quốc gia triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
(Tài liệu tham khảo: Luật Thuỷ lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Thủy lợi)