Pháp luật thuế (Tax law) là gì? Nội dung điều chỉnh của pháp luật thuế
Mục Lục
Pháp luật thuế (Tax law)
Pháp luật thuế trong tiếng Anh là Tax law.
Pháp luật thuế (Tax law) là tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế và được nhà nước bảo đảm thực hiện.
Phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế
Phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế được pháp luật thuế điều chỉnh.
Căn cứ vào nội dung các quan hệ thuế được điều chỉnh bằng các qui phạm pháp luật, phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế bao gồm các nhóm quan hệ xã hội sau đây:
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế giá trị gia tăng
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế tiêu thụ đặc biệt
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế nhà đất
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu nộp thuế tài nguyên;...
Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, nội dung hoạt động của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thuế, phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế bao gồm các nhóm quan hệ xã hội sau đây:
- Nhóm các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí thuế
- Nhóm các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế
- Nhóm các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xử lí vi phạm pháp luật về thuế
Nội dung điều chỉnh của pháp luật thuế
- Qui định sự kiện pháp lí làm phát sinh nghĩa vụ thuế
Sự kiện pháp lí làm phát sinh nghĩa vụ thuế là sự kiện dẫn đến nghĩa vụ phải trả thuế, đó có thể là một hành vi pháp lí hay một tình trạng kinh tế.
- Qui định đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế
Đối tượng chịu thuế qui định trong pháp luật thuế luôn chỉ rõ thuế đánh vào cái gì (hàng hóa, thu nhập hay tài sản). Trong mỗi luật thuế đều qui định đối tượng chịu thuế riêng, cụ thể.
Đối tượng không chịu thuế là những hàng hóa, dịch vụ, thu nhập, tài sản không nằm trong phạm vi qui định là đối tượng chịu thuế của một văn bản pháp luật thuế.
- Qui định căn cứ, phương pháp tính thuế
Căn cứ tính thuế là cơ sở để xác định số thuế phải nộp. Căn cứ tính thuế thường được xác định dựa trên giá tính thuế và mức thuế suất áp dụng cho từng đối tượng chịu thuế.
Phương pháp tính thuế là cách thức tính thuế được pháp luật qui định cụ thể cho từng sắc thuế. Tùy theo tính chất của từng sắc thuế mà phương pháp tính thuế có thể được qui định đơn giản hoặc phức tạp
- Qui định các trường hợp miễn, giảm thuế
Về thực chất, khi có các sự kiện pháp lí xảy ra làm phát sinh nghĩa vụ thuế, người nộp thuế phải nộp một khoản tiền vào ngân sách nhà nước, song vì những lí do kinh tế - xã hội nhất định mà pháp luật qui định cho phép người nộp thuế không phải nộp toàn bộ (miễn thuế) hoặc chỉ nộp một phần (giảm thuế) trong số tiền phải nộp.
- Qui định về đăng kí thuế
Đăng kí thuế là hành vi của các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quan hệ pháp luật thuế phải đăng kí thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài các nội dung điều chỉnh trên, pháp luật thuế còn điều chỉnh các nội dung sau: Qui định thủ tục kê khai tính thuế; qui định thủ tục ấn định thuế; qui định thủ tục nộp thuế; qui định thủ tục hoàn thuế; qui định thủ tục miễn, giảm thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt; Thủ tục kiểm tra, thanh tra thuế; Thủ tục thi hành quyết định hành chính; Thủ tục xử lí vi phạm pháp luật thuế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)