Phân tích vòng đời ngành công nghiệp (Industry Life Cycle Analysis) là gì? Ví dụ
Mục Lục
Phân tích vòng đời ngành công nghiệp
Phân tích vòng đời ngành công nghiệp trong tiếng Anh là Industry Life Cycle Analysis.
Phân tích vòng đời ngành công nghiệp là một phần trong phân tích cơ bản một công ty, bao gồm việc xác định xem ngành mà công ty đang hoạt động đang ở giai đoạn nào trong vòng đời của nó.
Có 4 giai đoạn trong một vòng đời của ngành công nghiệp: mở rộng, đỉnh, thu hẹp, đáy. Một nhà phân tích sẽ xác định công ty đang ở trong giai đoạn nào của chu kì và sử dụng thông tin này để dự báo hiệu suất tài chính trong tương lai và ước tính các giá trị dự phóng.
Thông thường, chu kì vòng đời của doanh nghiệp sẽ đi theo chu kì kinh tế điển hình, hoặc có thể dẫn trước hoặc theo sau chu kì kinh tế.
Trong giai đoạn mở rộng đối với những thị trường mở và cạnh tranh, ngành công nghiệp sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, đồng thời sẽ có nhiều đối thủ mới xuất hiện. Trong giai đoạn đỉnh, tăng trưởng giảm xuống bằng không; có ít người mua thêm hàng hóa của ngành do nhu cầu sản phẩm đã được đáp ứng.
Giai đoạn thu hẹp có đặc trưng là lợi nhuận toàn ngành giảm do doanh số bán hàng trong giai đoạn hiện tại thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong giai đoạn thu hẹp, ngành công nghiệp trải qua sự điều chỉnh năng lực sản xuất.
Quá trình điều chỉnh kết hợp với số lượng việc làm, thu nhập cá nhân và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng gần như không đổi dẫn đến giai đoạn đáy của vòng đời. Khi nền kinh tế hồi phục, vòng đời của ngành bắt đầu lại với giai đoạn mở rộng.
Các nhà phân tích và nhà giao dịch chứng khoán thường sử dụng phân tích vòng đời của ngành công nghiệp để đo lường điểm mạnh và điểm yếu tương đối của cổ phiếu một công ty cụ thể. Triển vọng tăng trưởng của công ty có thể tốt hoặc xấu tùy thuộc vào giai đoạn vòng đời của ngành mà công ty hoạt động.
Ví dụ về phân tích vòng đời ngành công nghiệp
Truyền thông xã hội đã bùng nổ trong khoảng thời gian đầu những năm 2000 do sự thành công của Myspace, một trang mạng xã hội đã vượt qua Google trở thành trang web được truy cập nhiều nhất trên Internet vào năm 2006.
Facebook (được bắt đầu vào năm 2004) cũng nhanh chóng đạt được sức hút giữa các trường đại học và được coi là trang web truyền thông xã hội phổ biến thứ hai lúc bấy giờ.
Đã từng có dấu hiệu cho rằng hai công ty này sắp hợp nhất khi Myspace được mua lại bởi Newscorp của Rupert Murdoch với giá 580 triệu USD trong năm 2005.
Nhưng mức định giá đó hóa ra bị thổi phồng sau khi Facebook vượt qua MySpace. MySpace gần như bị quên lãng sau khi Facebook trở thành công ty mạng xã hội khổng lồ. Ngoại trừ một số ít như Twitter, các trang truyền thông xã hội khác cũng thất bại.
Các trang web truyền thông xã hội sống sót đã phát hành cổ phiếu mạnh mẽ trên sàn chứng khoán với mức định giá được coi là cao so với doanh thu , chủ yếu là do các nhà đầu tư kì vọng vào sự tăng trưởng đáng kể của chúng trong tương lai khi mạng xã hội trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Tuy nhiên kể từ tháng 5 năm 2019, mức định giá của Facebook đã giảm và công ty đã cảnh báo về số liệu tăng trưởng sẽ không thay đổi trong tương lai. Snap - một công ty truyền thông xã hội khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Cả hai công ty đã mở rộng phạm vi hoạt động của chúng để đầu tư vào các sản phẩm khác, như máy ảnh và drone.
(Theo investopedia)