Phân tích phương sai đo độ lặp lại và độ tái lập (ANOVA gauge R&R) là gì?
Mục Lục
Phân tích phương sai đo độ lặp lại và độ tái lập
Phân tích phương sai đo độ lặp lại và độ tái lập trong tiếng Anh được gọi là ANOVA gauge R&R.
Phân tích phương sai đo độ lặp lại và độ tái lập là một kĩ thuật phân tích hệ thống đo lường có sử dụng mô hình phân tích phương sai (ANOVA) ảnh hưởng ngẫu nhiên để đánh giá một hệ thống đo lường.
Đánh giá của một hệ thống đo lường bao gồm đánh giá thiết bị, dụng cụ đo lường, phương pháp đo và người đo.
"ANOVA gauge R & R" đo các biến động của phép đo từ bản thân hệ thống đo lường chính và so sánh nó với tổng số biến quan sát để xác định tính tin cậy của hệ thống đo lường.
Yếu tố ảnh hưởng
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến một hệ thống đo lường, bao gồm:
- Phương tiện đo: máy đo hoặc dụng cụ đo và tất cả các khối gắn kết, hỗ trợ thực hiện phép đo. Trong các hệ thống đo điện từ, các nguồn sai số bao gồm nhiễu sóng điện từ và giải pháp chuyển đổi vật tương tự sang kĩ thuật số.
- Người thực hiện đo: khả năng và ý thức kỉ luật của người thực hiện đo.
- Phương pháp thử: Cách cài đặt thiết bị, lắp đặt gá, dưỡng, cách ghi dữ liệu...
- Qui định kĩ thuật: dữ liệu đo lường được đối chiếu với các qui định kĩ thuật hoặc giá trị tham khảo. Giới hạn dung sai kĩ thuật không ảnh hưởng đến đo lường, nhưng là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính khả thi của hệ thống đo lường.
- Chi tiết và vật mẫu: Một số sản phẩm / chi tiết dễ đo hơn những sản phẩm/ chi tiết khác. Ví dụ: Một hệ thống đo lường có thể tốt để đo chiều dài khối thép nhưng không tốt để đo các chi tiết bằng cao su.
Khía cạnh xác định R&R
Có hai khía cạnh xác định R&R:
- Độ lặp lại (Repeatability): Sự biến động trong các phép đo được thực hiện bởi cùng một người sử dụng cùng một phương tiện đo, đo lặp đi lặp lại các đặc tính trên cùng một sản phẩm trong cùng điều kiện. Sự lặp lại nhìn chung được hiểu là sự dao động của thiết bị đo.
- Độ tái lập (Reproducibility): Sự dao động trung bình kết quả đo được thực hiện bởi những người đo khác nhau sử dụng cùng một phương tiện đo, đo các đặc tính trên cùng một sản phẩm trong cùng điều kiện. Sự tái lập nhìn chung được hiểu là dao động do người vận hành.
(Tài liệu tham khảo: 6 Sigma, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)