Phân tích định giá (Valuation Analysis) là gì? Đặc điểm phân tích định giá
Mục Lục
Phân tích định giá
Khái niệm
Phân tích định giá trong tiếng Anh là Valuation Analysis.
Phân tích định giá là một quá trình ước tính giá trị hoặc giá trị gần đúng của một tài sản.
Tài sản này có thể là doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu, chứng khoán có thu nhập cố định, hàng hóa, bất động sản hoặc các tài sản khác.
Nhà phân tích có thể sử dụng các cách tiếp cận khác nhau để phân tích định giá cho các loại tài sản khác nhau, nhưng nói chung đều phải xem xét các nguyên tắc cơ bản của tài sản.
Đặc điểm phân tích định giá
Phân tích định giá chủ yếu dựa trên khoa học (tính toán bằng số) nhưng cũng có tính chất nghệ thuật do nhà phân tích buộc phải đưa ra các giả định ban đầu cho mô hình.
Giá trị của một tài sản về cơ bản là giá trị hiện tại (PV) của tất cả các dòng tiền trong tương lai mà tài sản được dự báo sẽ tạo ra. Trong mô hình định giá công ty, có vô số giả định về tăng trưởng doanh thu, tỉ suất lợi nhuận, lựa chọn tài chính, chi tiêu vốn, thuế suất, tỉ lệ chiết khấu,...cho công thức tính PV.
Sau khi mô hình được thiết lập, nhà phân tích có thể xử lí các biến để xem định giá thay đổi như thế nào với các giả định khác nhau. Không có mô hình duy nhất nào phù hợp cho tất cả các loại tài sản.
Định giá một công ty sản xuất có thể phù hợp với mô hình DCF nhiều năm trong khi định giá một công ty bất động sản thì sử dụng thu nhập hoạt động ròng (NOI) hiện tại và tỉ lệ vốn hóa là phù hợp nhất, các loại hàng hóa như quặng sắt, đồng hoặc bạc sẽ là đối tượng của các mô hình tập trung dự báo cung và cầu thế giới.
Kết quả phân tích định giá
Đầu ra của phân tích định giá có thể có nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể là một số duy nhất, ví dụ như một công ty có định giá xấp xỉ 5 tỉ đô la hoặc có thể là một dãy số nếu giá trị của tài sản phụ thuộc vào một biến thường biến động, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp với một thời hạn cao có phạm vi định giá ở giữa mệnh giá và 90% mệnh giá tùy thuộc vào lợi tức của trái phiếu kho bạc này.
Định giá có thể được thể hiện dưới dạng bội số giá. Ví dụ, vì một cổ phiếu công nghệ đang giao dịch với bội số giá trên thu nhập (P/E) là 40 lần, một cổ phiếu viễn thông được định giá bằng 6 lần giá trị của doanh nghiệp trên thu nhập trước lãi suất, thuế và khấu hao (EV/EBITDA). Phân tích định giá cũng có thể ở dạng giá trị tài sản trên mỗi cổ phiếu hay giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu (NAV).
Phân tích định giá trong đầu tư
Phân tích định giá rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có thể ước tính giá trị nội tại của cổ phiếu công ty để đưa ra quyết định đầu tư một cách sáng suốt hơn. Giá trị hợp lí của trái phiếu không chêch lệch nhiều so với giá trị nội tại, tuy nhiên trong trường hợp tình hình tài chính của một công ty căng thẳng hơn do mắc nợ nhiều mức chênh lệch này sẽ cao hơn.
Phân tích định giá là một công cụ hữu ích để so sánh các công ty trong cùng lĩnh vực hoặc ước tính lợi tức đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định.
(Theo Investopedia)