Phân tích chính sách (Policy analysis) là gì? Tại sao phải phân tích chính sách?
Mục Lục
Phân tích chính sách (Policy analysis)
Phân tích chính sách trong tiếng Anh là policy analysis.
Phân tích chính sách (Policy analysis) còn là một khái niệm tương đối mới ở nước ta. Tiếp cận với hái niệm này, có nhiều quan điểm khác nhau:
1. "Phân tích chính sách là ngành khoa học xã hội ứng dụng, sử dụng một tập hợp các phương pháp điều tra và biện luận nhằm tạo ra và truyền đạt những thông tin liên quan đến chính sách có thể sử dụng được trong các quá trình chính trị để giải quyết những vấn đề chính sách".
2. "Phân tích sách là việc phân giải toàn bộ cac hoạt động liên quan đến chu trình chính sách, nhằm chỉ ra những mối liên hệ mang tính qui luật giữa các yếu tố cấu thành hoạt dộng chính sách".
3. "Phân tích chính sách là việc phối hợp các phân tích riêng lẻ về hiệu lực và hiệu quả của chính sách để đưa ra kết quả tổng hợp về chính sách".
Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất: "Phân tích chính sách là quá trình xem xét, so sánh, đánh giá mục tiêu, nội dung và các ảnh hưởng của chính sách để đưa ra những lời khuyên (kiến nghị) về chính sách trên cơ sở lợi ích xã hội".
Sản phẩm của phân tích chính sách là những lời khuyên hay những kiến nghị. Tuy nhiên cần lưu ý là không phải tất cả mọi lời khuyên liên quan đến chính sách đều là sản phẩm của phân tích chính sách mà nó phải gắn liền với các quyết định của Nhà nước và cơ sở để đưa ra các lời khuyên là nhằm vào các mục tiêu xã hội.
Ví dụ ở Mỹ, tại Nhà Trắng có thể tìm thấy những nhóm nhỏ các nhà phân tích chính sách nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách của Chính phủ trong Hội đồng an ninh quốc gia hay Hội đồng chính sách đối nội. Những lời khuyên của họ liên quan đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
Trong các bộ phận điều hành, có sự phối hợp chặt chẽ hoạt động của các nhà phân tích chính sách. Văn phòng quản lí và ngân sách (The Office of Management and Budget) cũng như Hội đồng cố vấn kinh tế (the Council of Economic Advisors) giữ vai trò phối hợp trong Chính phủ Trung ương.
Lý do cần phân tích chính sách
Lí do khái quát, thông qua quá trình phân tích mà chủ thể quản lí có được đầy đủ thông tin cho việc ra quyết định quản lí. Mặt khác, do mục tiêu của chính sách hướng tới nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội và có ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của tổ chức nên chủ thể quản lí cần xem xét, cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra quyết định.
Lí do cụ thể, phân tích chính sách giúp:
+ Phân tích chính sách để thấy được những mục tiêu chính sách mà chủ thể dự kiến theo đuổi có thiết thực, khả thi hay phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức không.
+ Phân tích chính sách để thấy được tính hệ thống của chính sách. Hệ thống chính sách là tập hợp các chính sách có những đặc trưng giống nhau về mục tiêu hay tính chất được xếp đặt theo một trật tự nhất định và theo yêu cầu của chủ thể.
Thông qua quá trình phân tích, các nhà phân tích xem xét tính hệ thống của chính sách qua các mặt: Thứ nhất, chính sách mới ban hành có đúng là một chính sách hay chỉ là biện pháp thực thi chính sách. Thứ hai, chính sách mới ban hành có phù hợp với hệ thống đã có hay không, có xung khắc gì với các chính sách đã có hay không. Thứ ba, chính sách mới ban hành có trợ giúp gì cho hệ thống như khắc phục được những tồn tại hiện có của hệ thống hay thúc đẩy hệ thống vận động tốt hơn.
+ Phân tích chính sách để thấy được sự phù hợp giữa chính sách và môi trường. Môi trường cho tổ chức hoạt động bao gồm môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, tự nhiên... Để cho tổ chức có thể dứng vững được trước những thách thức của môi trường, chủ thể quản lý cần có những chính sách kịp thời tạo động lực trực tiếp cho tổ chức, bên cạnh đó cũng phải có sự điều chỉnh đối với tổ chức một cách phù hợp để thích ứng với sự biến đổi của môi trường.
+ Phân tích chính sách để thấy được lòng tin của người thực hiện với chủ thể ban hành. Khi có được lòng tin của người thực hiện thì các chính sách do chủ thể ban hành sẽ phát huy hết tác dụng của nó và đạt được mục tiêu mong đợi.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết phân tích chính sách, Đồng chủ biên: TS. Nguyễn Trọng Hòa, TS. Vũ Sỹ Cường, năm 2013, NXB Tài chính)