Phái sinh hàng hóa (Commodity derivative) là gì?
Mục Lục
Phái sinh hàng hóa (Commodity derivative)
Phái sinh hàng hóa trong tiếng Anh là Commodity derivative. Phái sinh hàng hóa gọi đầy đủ là công cụ phái sinh hàng hóa.
Phái sinh hàng hóa là một công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa chẳng hạn như ngũ cốc, năng lượng và kim loại.
Lịch sử hình thành
- Có thể nói công cụ phái sinh hàng hóa được hình thành sớm nhất trong lịch sử của các thị trường phái sinh trên thế giới. Ngay từ thời trung cổ, các công cụ phái sinh hàng hóa đã xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cho những người nông dân và các thương gia, giúp gắn kết cung và cầu giữa họ.
- Ở một số nước, thị trường phái sinh hàng hóa được hình thành từ rất sớm, lúc đầu cũng chỉ giao dịch lúa gạo.
Theo đó, một số người lo ngại gạo sẽ rớt giá khi đến mùa thu hoạch, trong khi một số khác lại dự đoán giá gạo không thể rớt, thậm chí còn tăng. Từ chỗ một bên có nhu cầu phòng vệ rủi ro, bên còn lại coi đó là cơ hội, vì thế phát sinh các công cụ phục vụ nhu cầu này.
Đặc trưng của phái sinh hàng hóa
- Đúng với tên gọi của nó, nhóm công cụ phái sinh hàng hóa có hệ thống tài sản cơ sở rất rộng là các loại hàng hóa đủ thể loại trên thị trường từ nhóm năng lượng như xăng, dầu, khí đốt; nhóm nông sản như xơ bông, gạo, ngô, lúa mì, cà phê... thậm chí cả các mặt hàng như kim loại, vận tải...
- Những người tham gia giao dịch công cụ phái sinh hàng hóa với mục địch phòng vệ rủi ro cho mặt hàng của mình là chủ yếu.
Ví dụ
Điển hình như trường hợp của hãng hàng không British Airways (BA) khi họ cho biết rằng hoạt động kinh doanh của họ rất nhạy cảm với sự thay đổi của giá xăng dầu.
Năm 2009, British Airways biết 32% chi phí hoạt động của hãng đến từ chi phí cho xăng dầu. Do đó, để phòng ngừa sự thay đổi đột ngột của xăng dầu, British Airways đã sử dụng các hợp đồng tương lai để mua số xăng dầu cần thiết với một mức giá nhất định. Điều này sau đó đã giúp British Airways tránh được rủi ro giá xăng dầu tăng bất thường.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Emissions-EUETS.com)