Nước ảo (Virtual water) là gì? Vấn đề xuất nhập khẩu nước ảo
Mục Lục
Nước ảo
Nước ảo hay còn gọi là lượng nước gắn vào, bao gói vào sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là Virtual water.
- Đứng trên quan điểm sản xuất, nước ảo chính là lượng nước thực sự dùng để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa.
Nó sẽ phụ thuộc vào điều kiện sản xuất bao gồm thời gian và địa điểm sản xuất và cả việc sử dụng nước hiệu quả.
Ví dụ chúng ta canh tác cây trồng tại các vùng quá khô hạn có thể cần nhiều nước hơn ở những vùng ẩm ướt từ hai cho đến ba lần.
- Đứng trên quan điểm người sử dụng hơn là người sản xuất. Theo đó nước ảo của một hàng hóa được định nghĩa như là lượng nước cần thiết để sản xuất hàng hóa ở nơi mua hàng hóa đó.
Khái niệm này thực sự có ý nghĩa khi một quốc gia đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thể tiết kiệm được bao nhiêu nước nếu nhập khẩu hàng hóa thay vì tự sản xuất?!
Trong bối cảnh lượng nước sạch ngày càng thiếu hụt trên trái đất, khái niệm nước ảo là một bản cáo trạng dành cho lối sống tiêu thụ của nhân loại. Lối sống xanh – một phong cách tiêu dùng hợp lí - đang được giới trẻ học đường Việt Nam cổ vũ chính là một đáp ứng tích cực.
- Buôn bán nước ảo là một khái niệm không còn phải là quá mới ở trên thế giới, nó được biết đến như là sự trao đổi sản phẩm, hàng hóa (hàm lượng chứa nước ảo).
Với thị trường hàng hóa, đặc biệt là lương thực, có một dòng nước ảo từ các nước xuất khẩu hàng hóa đến các nước nhập khẩu hàng hóa đó.
Các quốc gia thiếu nước có thể nhập khẩu hàng hóa. Do đó có thể tiết kiệm nguồn nước để dùng cho các nhu cầu cần thiết khác (sẽ đem lợi ích hơn về mặt kinh tế và xã hội) mà không gây áp lực lên tài nguyên nước.
Ví dụ minh hoạ
Theo tính toán, cần đến 140 lít nước để làm ra một li cà phê; đó là số lượng nước cần để tưới tiêu, sản xuất, đóng gói và vận chuyển hạt cà phê; nó tương đương với lượng nước mà một người ở Anh dùng cho sinh hoạt hàng ngày…
Để làm ra một chiếc bánh hamburger phải tốn 2.400 lít nước từ việc trồng lúa mì, xay bột, làm nhân bánh, trồng rau...
Để có 1 kg thịt bò, phải cần 15.340 lít nước; bởi trong 3 năm nuôi một con bò cho 200kg thịt, nó đã ăn 1.300kg ngũ cốc (lúa mì, bắp, đậu nành, lúa mạch...) và 7.200kg cỏ; Để sản xuất lượng ngũ cốc và cỏ đó phải cần đến ba triệu lít nước; lại còn cần thêm 24.000 lít nước cho con bò uống và 7.000 lít cho các hoạt động chăm sóc khác…
Hiện trạng
Việc nhập siêu "nước ảo", thông qua lương thực và hàng hóa như là một nguồn nước thay thế để giảm bớt sức ép trên các tài nguyên nước quá hạn chế ở Trung Đông cũng như ở các vùng khan hiếm nước khác.
Chẳng hạn thay vì sử dụng nguồn nước hạn chế của sông Jourdan, Israel đã nhập nước ảo qua việc nhập bột mì của Mỹ hay gạo của Thái Lan.
Hiện nay Israel nhập đến 80% lương thực, vì nhiều lí do, trong đó có nguyên nhân tiết kiệm nước.
Nhiều thế kỉ nay, lưu vực sông Thames (Anh) phải nhập một lượng "nước ảo" rất lớn thông qua lương thực nhờ tiền thu được từ hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Nếu dùng nước "thật", lưu vực này chỉ nuôi được khoảng 500.000 người. Thế mà hiện nay vùng này có đến hơn 17 triệu dân! Nhờ lí thuyết "nước ảo", người ta phát hiện những quốc gia như Mỹ, Argentina và Brazil xuất khẩu hàng tỉ mét khối nước ảo.
Trong khi các nước như Nhật, Ai Cập và Ý lại nhập hàng tỉ mét khối nước ảo mỗi năm thông qua lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. 62% lượng nước tiêu thụ ở Anh là nước ảo được nhập khẩu qua hàng hóa và thực phẩm.
Trên thế giới những nước xuất khẩu nước ảo nhiều nhất là: Mỹ, Canada, Thailand, Ấn độ, Việt Nam, Pháp và Braxin.
Những nước nhập khẩu nước ảo nhiều nhất là: Sri Lanka, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ai Cập, Đức và Italy
(Tài liệu tham khảo: Mạng thông tin Bảo vệ môi trường, Trung tâm Công nghệ Thực phẩm và Môi trường. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Hội cấp thoát nước Việt Nam VWSA)