Nhu cầu đào tạo trong doanh nghiệp là gì?
Mục Lục
Nhu cầu đào tạo
Nhu cầu đào tạo trong tiếng Anh gọi là: Training Needs.
Nhu cầu đào tạo có thể được xem như là khoảng cách giữa cái mà mọi người nên có với cái mà thực tế họ đang có.
Nói cách khác: Nhu cầu đào tạo = Trình độ năng lực yêu cầu - trình độ năng lực hiện tại.
Sự cần thiết xác định nhu cầu đào tạo
Bước đầu tiên quan trọng trong phát triển các chương trình đào tạo là xác định những nhu cầu của doanh nghiệp về các chương trình này. Có hai lí do cơ bản cho việc cần thiết phải thực hiện cẩn thận đánh giá nhu cầu đào tạo trước khi tiến hành thực hiện:
- Thứ nhất, đào tạo là một hoạt động đầu tư vào con người đòi hỏi nhiều chi phí cả về nhân lực, tiền bạc và thời gian.
Tuy nhiên nếu đào tạo tốt, đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng phương pháp thì ngoài việc nó bù đắp lại được những khoản chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra, đào tạo còn đem lại nhiều lợi ích to lớn khác cho doanh nghiệp cả về lợi ích hữu hình và vô hình.
Ngược lại, nếu đào tạo không đúng, sẽ làm tăng chi phí mà không có lợi ích tương xứng.
- Thứ hai, đào tạo nếu không đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các thành viên của nó, thì thực tế có thể dẫn đến các bất lợi như: Công nhân sau khi đã tham gia các khóa đào tạo mà vẫn không cải thiện được tình hình sẽ có những hành động chán nản, lo lắng và thậm chí còn xin rời khỏi doanh nghiệp.
Cán bộ quản lí cũng như các chuyên gia quản trị nhân sự phải luôn nhạy cảm với các tín hiệu thể hiện nhu cầu đào tạo như:
Nhu cầu đào tạo thêm của nhân viên, sự phàn nàn của khách hàng về các dịch vụ, sự lãng phí quá mức về nguyên vật liệu, tỉ lệ luân chuyển lao động lớn… đều là những tín hiệu về nhu cầu cần đào tạo cho các nhân viên và cán bộ trong doanh nghiệp.
Đánh giá nhu cầu đào tạo cũng cần xem xét ba khía cạnh sau đây:
(1) các nhu cầu của tổ chức,
(2) yêu cầu về trình độ của công việc,
(3) mức độ về trình độ và kĩ năng hiện tại của nhân viên
Để xác định được nhu cầu đào tạo, doanh nghiệp cần phải phân tích nhu cầu này ở 3 cấp: cấp độ doanh nghiệp, cấp độ ở tổ, đội và cá nhân.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị nhân sự, TS. Trương Minh Đức, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)