Nhãn hiệu nổi tiếng (Well-known marks) là gì?
Mục Lục
Nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu nổi tiếng trong tiếng Anh gọi là: Well-known marks.
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (Theo Khoản 20 Điều 4, Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009)
Đặc điểm và mục đích
Các nhãn hiệu thương mại và dịch vụ nổi tiếng được sử dụng ở hầu hết các quốc gia để bảo vệ nhãn hiệu và chống lại các dấu hiệu được coi là sao chép, bắt chước hoặc dịch thuật nhãn hiệu đó dẫn tới gây nhầm lẫn cho cộng đồng trong lĩnh vực liên quan.
Các nhãn hiệu nổi tiếng thường được bảo vệ, bất kể chúng có được đăng kí hay không, để chống lại với hàng hóa và dịch vụ giống hệt hoặc tương tự với các nhãn hiệu mà chúng đã đạt được danh tiếng. (Tài liệu tham khảo: The World Intellectual Property Organization)
Nhìn chung, "nhãn hiệu nổi tiếng" được hưởng sự bảo hộ mạnh hơn. Ví dụ:
Nếu nhãn hiệu được bảo hộ để chống lại các nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn chỉ khi chúng được sử dụng cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự thì nhãn hiệu nổi tiếng thường được bảo hộ chống lại các nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn ngay cả khi chúng được sử dụng cho các sản phẩm không liên quan, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Mục đích chính của việc bảo hộ mạnh hơn là nhằm ngăn không cho các công ty lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng và/hoặc gây ra thiệt hại cho uy tín và sự tín nhiệm của khách hàng đối với nhãn hiệu đó.
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được cơ quan có thẩm quyền của một nước nhất định công nhận là nổi tiếng.
Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng
(Theo Điều 75, Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009)
Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:
1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
(Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ, Trung tâm Thương mại quốc tế và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới)