Nhà bán lẻ điện tử (E-tailer) là gì? Các mô hình bán lẻ điện tử
Mục Lục
Nhà bán lẻ điện tử
Nhà bán lẻ điện tử trong tiếng Anh là electronic retailer, viết tắt là e-tailer.
Nhà bán lẻ điện tử là cửa hàng ảo bán lẻ trực tuyến (virtual storefront, E-shop, E-tailer), bao gồm mọi hình thức và qui mô, từ những cửa hàng rất lớn như Amazon.com tới các cửa hàng nhỏ bé mang tính chất địa phương.
Cách một nhà bán lẻ điện tử hoạt động
Với công ty có cửa hàng bán lẻ trực tuyến hàng hóa, dịch vụ hay thông tin, khách hàng có thể đọc và xem thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ và thông tin về công ty một cách thuận tiện nhất, và việc tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán qua mạng khi mua lẻ sẽ là lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Đây là loại mô hình mà hầu hết các công ty vừa và nhỏ ở Việt Nam đều có thể áp dụng. Đơn giản nhất là đưa thông tin về công ty, sản phẩm hay dịch vụ lên mạng để tạo điều kiện cho khách hàng có thể thu thâp thông tin dễ dàng nhất. Chuyên nghiệp hơn một chút công ty nên tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán qua mạng để phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Các mô hình bán lẻ điện tử
Tất cả các cửa hàng loại này đều kinh doanh thông qua một website trên Internet. Các cửa hàng bán lẻ trực tuyến về cơ bản rất giống các cửa hàng "gạch vữa" truyền thống (Brick and mortar), ngoại trừ một điều là khi mua hàng khách hàng chỉ cần quay số trực tiếp trên internet để kiểm tra hàng hóa và thực hiện đặt hàng.
Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều cửa hàng bán lẻ trực tuyến chỉ là các chi nhánh của các cửa hàng "gạch vữa" đã và đang tồn tại và cũng bán kinh doanh các hàng hóa tương tự. Loại hình này được nói đến như mô hình kinh doanh clicks-and-mortals hay clicks and bricks.
Các siêu thị điện máy như Nguyễn Kim hoặc Chợ Lớn là các ví dụ điển hình về mô hình cửa hàng bán lẻ trực tuyến được xây dựng trên cơ sở các cửa hàng truyền thống sẵn có của công ty.
Bên cạnh mô hình phối hợp giữa cửa hàng truyền thống và trực tuyến, nhiều công ty khác chỉ hoạt động riêng trong thế giới ảo, không có bất cứ một cửa hàng "gạch vữa" truyền thống nào. Tại Việt Nam, Lazada.com, Sendo.vn và Hotdeal.vn là các ví dụ điển hình của mô hình này.
Ngoài ra, cũng còn một số mô hình bán lẻ trực tuyến khác như các phiên bản trực tuyến của danh mục thư tín trực tiếp, các phố buôn bán trực tuyến (online mall) và các nhà sản xuất trực tiếp bán hàng trực tuyến.
Thuận lợi và hạn chế
Dù tồn tại dưới dạng này hay dạng khác, song các mô hình bán lẻ trực tuyến đều chủ yếu thu lợi nhuận từ các hợp đồng mua bán sản phẩm, hàng hóa cho khách hàng. Với sự gia tăng nhanh chóng dân số trên Internet, mô hình cửa hàng bán lẻ trực tuyến là một trong những hình thức kinh doanh đầy hứa hẹn bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mọi người sử dụng trên Internet đều có thể là khách hàng tiềm năng của công ty.
Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng đang trong tình trạng cạnh tranh gay gắt. Vì các rào cản gia nhập thị trường (tổng chi phí của việc gia nhập một thị trường mới) đối với thị trường bán lẻ trực tuyến tương đối thấp nên mỗi năm có tới hàng trăm ngàn các cửa hàng bán lẻ trực tuyến lớn nhỏ xuất hiện trên web.
Nghiên cứu hoạt động của mô hình kinh doanh này cho thấy hầu hết các công ty đều muốn nhanh chóng tiếp cận mọi người tiêu dùng trực tuyến bằng cách phát triển các chiến lược phù hợp, xác định chính xác thị trường và nhu cầu của thị trường. Đó là những yếu tố cơ bản cần thiết để có thể tu được lợi nhuận. Song để có thể thành công ở mô hình này, các công ty cần tối thiểu hóa chi phí, mở rộng các lựa chọn và phải kiểm soát tốt hoạt động dự trữ của mình, trong đó dự trữ là vấn đề quan trọng và khó tính toán nhất.
(Theo Thương mại điện tử hiện đại, NXB Tài chính)