1. Tài chính doanh nghiệp

Nguồn vốn bên trong (Internal Capital) là gì? Ưu điểm và hạn chế của nguồn vốn bên trong

Mục Lục

Nguồn vốn bên trong (Internal Capital)

Nguồn vốn bên trong trong tiếng Anh là Internal CapitalNguồn vốn bên trong là nguồn vốn có thể huy động được vào đầu tư từ chính hoạt động của bản thân doanh nghiệp tạo ra.

Đặc trưng

- Nguồn vốn bên trong thể hiện khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp.

- Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp bao gồm: 

-+Lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư

+ Khoản khấu hao tài sản cố định

+ Các khoản nợ phải trả có tính chu kì

+ Tiền nhượng bán tài sản, vật tư không cần dùng hoặc thanh lí tài sản cố định (TSCĐ)

Ưu điểm và hạn chế của nguồn vốn bên trong

Ưu điểm

- Chủ động đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời các thời cơ trong kinh doanh. 

+ Sử dụng lợi nhuận sau thuế cùng với nguồn khấu hao được hình thành trên cơ sở trích khấu hao tài sản cố định, cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư, các cơ hội đầu tư tăng trưởng. 

+ Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp còn là nguồn tài trợ chủ yếu cho các dự án đầu tư mạo hiểm, các dự án có mức độ rủi ro cao như: phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường mới…

- Tiết kiệm được chi phí sử dụng vốn

Việc sử dụng các nguồn vốn bên trong cho phép các doanh nghiệp vừa tiết kiệm thời gian huy động vốn, vừa tiết kiệm nhiều chi phí huy động vốn do không phát sinh các chi phí quảng cáo, phí bảo lãnh phát hành chưng khoán...

- Giữ được quyền kiểm soát doanh nghiệp

Nếu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tăng vốn đầu tư dài hạn bằng cách tăng thêm các thành viên góp vốn mới, như phát hành thêm cổ phiếu, gọi vốn liên doanh, thì cũng đồng nghĩa với việc các chủ sở hữu hiện hữu của doanh nghiệp chấp nhận việc chia sẻ quyền quản lí và kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp cho các thành viên mới.

Điều này sẽ không xảy ra nếu như doanh nghiệp tự tài trợ đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn bằng các nguồn vốn nội bộ.

- Tránh được áp lực phải thanh toán đúng kì hạn 

Việc sử dụng các nguồn vốn nội bộ để tài trợ nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp còn giúp doanh nghiệp có thể tránh được áp lực từ phía các chủ sở hữu các nguồn vốn do phải thanh toán đúng kì hạn (cả gốc và lãi). Điều này có ý nghĩa giảm bớt căng thẳng về tài chính khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hạn chế

- Hiệu quả sử dụng vốn thường không cao.

+ Việc sử dụng nguồn vốn bên trong không phải hoàn trả vốn gốc và lãi theo kì hạn cố định, vì thế không tạo áp lực cho ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc cân nhắc, tính toán hiệu quả sử dụng vốn cho đầu tư.

+ Đây là nguyên nhân đáng kể dẫn đến hiệu quả sử dụng các dự án tài trợ bằng các nguồn vốn bên trong thường đạt hiệu quả không cao so với các dự án tài trợ bằng các nguồn vốn huy động bên ngoài. 

- Qui mô nguồn vốn huy động bị giới hạn.

+ Nguồn vốn bên trong thường bị giới hạn ở một qui mô nhất định.

+ Nguồn vốn bên trong cho tăng trưởng của doanh nghiệp chủ yếu là phần lợi nhuận sau thuế để lại tái đầu tư. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế để lại tái đầu tư chịu sự chi phối trực tiếp của kết quả kinh doanh hàng năm và chính sách phân chia, sử dụng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

+ Đối các doanh nghiệp vừa và nhỏ số lợi nhuận sau thuế thường không lớn, vì thế nguồn vốn bên trong doanh nghiệp thường rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư dài hạn trong quá trình hoạt động của mình.

Kết luận

- Nguồn vốn huy động bên trong có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

- Tuy nhiên, thông thường nguồn vốn bên trong không đủ đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp đang trong quá trình tăng trưởng. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)

Thuật ngữ khác