Nguồn lực (Resource) là gì? Vấn đề khan hiếm
Mục Lục
Nguồn lực
Nguồn lực hay các yếu tố sản xuất trong tiếng Anh được gọi là resource.
Nguồn lực là tất cả những yếu tố được sử dụng để sản xuất hàng hóa hay dịch vụ và có thể được gọi theo một tên khác là các yếu tố sản xuất.
Phân loại
Nguồn lực được chia thành bốn nhóm:
- Đất đai: Tất cả nguồn lực trong và trên mặt đất, ví dụ: rừng, khoáng sản, đất trồng trọt, đất xây dựng...
- Lao động là người lao động, chất lượng, kĩ năng trình độ của người lao động.
- Vốn không chỉ đề cập đến tiền mà còn bao gồm những hàng hóa có thời gian sử dụng lâu dài và nhằm sản xuất ra hàng hóa hay dịch vụ khác.
Ví dụ: nhà xưởng, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất.
- Khả năng kinh doanh, khả năng tạo ra công nghệ sản xuất mới. Khả năng kết hợp vốn – lao động – đất đai nhằm đạt được hiệu quả.
Vấn đề ở đây không phải là có bao nhiêu đất đai, bao nhiêu lao động hay bao nhiêu vốn mà vấn đề là sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả.
Ví dụ về sử dụng nguồn lực
Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua xem xét Việt Nam và Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới II, nguồn lực về vốn như nhau, Việt Nam có nguồn lực lao động dồi dào hơn, nhưng nguồn lực về khả năng kinh doanh không bằng Nhật Bản nên nền kinh tế Việt Nam phát triển chậm hơn.
Nguồn lực khan hiếm
Chúng ta có thể hiểu đơn giản, khan hiếm là tình trạng hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn lực không đủ so với mong muốn hay nhu cầu. Theo David Begg, một nguồn lực khan hiếm là nguồn lực mà tại điểm giá bằng không thì lượng cầu về nó lớn hơn lượng cung sẵn có.
Như vậy, đối với các nguồn lực có mức giá lớn hơn không (có nghĩa là chúng ta phải trả một mức giá nhất định nào đó để có được một sản phẩm mà chúng ta cần) thì đó là các nguồn lực khan hiếm. Các nguồn lực có giá bằng không (có nghĩa là cho không) thì khả năng cung ứng không đủ cho nhu cầu.
Vấn đề khan hiếm của nguồn lực
Nguồn lực là khan hiếm vì số lượng nguồn lực được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ là có hạn ngày một cạn kiệt. Chúng ta có thể thấy sự cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, đất đai, lâm sản, hải sản...
Trong khi đó, nhu cầu hàng hoá và dịch vụ là vô hạn, ngày càng tăng, càng đa dạng và phong phú, nhất là chất lượng ngày càng cao.
Chẳng hạn người ta muốn có nước máy trong nhà, hệ thống sưởi ấm, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, học hành, lương thực, tivi, sách báo, ôtô, du lịch, thể thao, hòa nhạc, chỗ ở, quần áo, không khí trong lành...
Do vậy, vấn đề lựa chọn kinh tế tối ưu ngày càng phải đặt ra một cách nghiêm túc, gay gắt và thực hiện một cách rất khó khăn. Đó là đòi hỏi tất yếu của nhu cầu ngày một tăng và tài nguyên ngày một khan hiếm.
Con người phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn lực nên luôn phải lựa chọn tối ưu. Việc lựa chọn sẽ đưa đến cho con người tới sự đánh đổi – Muốn sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa này thì phải từ bỏ một lượng hàng hóa khác. Đây chính là chi phí cơ hội để sản xuất một hàng hóa.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về kinh tế học và kinh tế học vi mô, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)