Người lao động chân tay là ai? Đặc điểm và động cơ làm việc
Mục Lục
Người lao động chân tay
Người lao động chân tay trong tiếng Anh gọi là: Blue-collar worker/ Manual worker.
Người lao động chân tay là những người làm loại công việc liên quan đến lao động thủ công và lương thưởng được tính theo thời gian làm việc. Loại công việc này thường thuộc một số lĩnh vực bao gồm xây dựng, sản xuất, bảo trì và khai thác. (Theo Investopedia)
Trong các hoạt động kinh doanh, người lao động có vị trí hết sức cơ bản, họ là những người trực tiếp sử dụng các phương tiện, trang thiết bị, các cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp để làm ra sản phẩm của cải cho xã hội.
Cho nên, nếu số lượng lao động không đủ, không phù hợp về chất lượng, không có nhiệt tình cần thiết, không được tổ chức tốt, không có nhân cách tốt sẽ không thể có kết quả tốt. Do đó, việc nắm vững tâm lí người lao động (cá nhân, tập thể) để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh là hết sức quan trọng.
Đặc điểm
Người lao động chân tay thường là người phải trực tiếp thao tác sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ, họ phải tiêu hao sức cơ bắp là chủ yếu và một phần sức trí não; cho nên thường họ bộc trực, thẳng thắn, suy nghĩ ít phức tạp, mơ ước rất cụ thể.
Họ thường có thói quen làm việc dưới sự quản lí của con người khác; nếu cuộc sống no đủ họ sẽ thấy hạnh phúc và không mong ước gì lớn hơn.
Họ sẽ chỉ trở thành lực lượng chống đối những người lãnh đạo khi người lãnh đạo chèn ép, bóc lột họ quá nặng nề, dồn họ vào ngõ cụt, vi phạm quá sức chịu đựng đối với nhân cách của họ.
Người lao động chân tay phải tiêu hao sức lực cơ bắp một cách trực tiếp, kéo dài và liên tục trong thời gian lao động;
Thêm vào đó họ phải lo toan cuộc sống và với mức thu nhập thường là loại thấp của xã hội nên ít có dịp tiếp cận với các luồng thông tin phong phú của xã hội, đặc biệt là các thông tin thuộc những vấn đề của thượng tầng xã hội; cho nên họ dễ có cuộc sống giản đơn, cam chịu, họ sống và làm việc phần lớn theo quán tính.
Người lao động chân tay, đặc biệt là những người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tại các doanh nghiệp lớn phải làm việc theo dây chuyền với qui mô lớn và hiện đại nên tính tổ chức, tính tập thể của họ khá cao; tính tương thân tương ái của họ rất lớn mà các giai tầng khác khó có thể có được.
Người lao động chân tay thường có một kẻ thù vô hình là sự phát triển của khoa học và công nghệ. Chính do khoa học công nghệ phát triển sẽ dẫn tới việc người lao động chân tay dễ bị đào thải khỏi guồng máy công việc, dễ mất việc làm vì máy móc thiết bị tự động thay thế chỗ họ, loại bỏ họ.
Ngoài các việc đặc điểm tâm lí chung của người lao động chân tay, ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực, do đặc thù lịch sử và truyền thống dân tộc, lại có những đặc điểm riêng mà nhà quản trị cần nghiên cứu để có biện pháp khai thác sử dụng (về tôn giáo, về dân tộc, về lịch sử, về vùng miền nơi sinh trưởng …).
Động cơ làm việc
- Động cơ kinh tế
Người lao động chân tay làm việc trước hết vì động cơ kinh tế để mong có thu nhập cao, đảm bảo cho bản thân và gia đình họ một cuộc sống no đủ.
- Động cơ sợ
Người lao động chân tay còn làm việc vì động cơ sợ kỉ cương, qui chế của nơi làm việc.
- Động cơ thay đổi, vươn lên
Người lao động chân tay còn làm việc vì động cơ phấn đấu vươn lên nhằm cải thiện được vị thế công tác của mình. Họ mong muốn được đề bạt sang một chức vụ khác quan trọng hơn để có thu nhập cao hơn, để có quyền khống chế, chi phối người khác.
- Động cơ quán tính, thói quen
Người lao động chân tay thường làm việc vì động cơ thói quen mang tính quán tính, sức ỳ; họ làm việc mà không cần suy nghĩ để tìm ra một sự thay đổi nào khác, họ luôn bảo lưu ý nghĩ làm việc ban đầu cố hữu của mình.
- Động cơ cạnh tranh để không bị thua kém người khác
Có những người lao động chân tay còn làm việc vì động cơ cạnh tranh lẫn nhau (cá nhân với cá nhân, tổ đội với tổ đội …) để không thua kém người khác, để không bị coi thường, để vượt lên trên người khác, để được lãnh đạo doanh nghiệp chú ý.
- Động cơ trách nhiệm, ý thức
Người lao động còn làm việc vì lương tâm, trách nhiệm. Đó là những người lao động có đạo đức, có lòng tự trọng. Họ làm việc vì lương tâm nghề nghiệp, không thể làm việc giả dối trái với lương tâm, trái với lòng tự trọng của mình.
(Tài liệu tham khảo: Tâm lí học lãnh đạo và quản lí, PGS.TS. Đỗ Thị Hải Hà, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)