Người khai hải quan (Customs declarant) là gì? Quyền và nghĩa vụ pháp lí của người khai hải quan
Mục Lục
Người khai hải quan (Customs declarant)
Người khai hải quan trong tiếng Anh là Customs declarant.
Người khai hải quan (Customs declarant) là người tiến hành khai báo về hàng hoá hoặc nhân danh người đó thực hiện việc khai báo.
Tại Chuẩn mực 3.7 Công ước Kyoto khẳng định “Bất cứ người nào có quyền định đoạt đối với hàng hoá để có quyền hoạt động với tư cách người khai hải quan”.
Người khai hải quan có các dấu hiệu pháp lí cơ bản sau:
- Là người có quyền định đoạt đối với đối tượng đang thực hiện thủ tục hải quan
- Trực tiếp thực hiện hành vi khai hải quan
- Kí tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan
- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác cho đối tượng đang làm thủ tục hải quan theo qui định của pháp luật
- Chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi khai báo của mình
Theo Điều 4, Luật Hải quan Việt Nam, người khai hải quan gồm chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải hoặc người được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải hoặc người được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải uỷ quyền.
Cụ thể gồm:
- Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
- Tổ chức được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác
- Người được uỷ quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại)
- Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh
- Đại lí làm thủ tục hải quan
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
Quyền và nghĩa vụ pháp lí của người khai hải quan
Quyền và nghĩa vụ pháp lí của người khai hải quan được qui định cụ thể tại Điều 18 Luật Hải quan 2014.
Người khai hải quan có quyền:
- Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;
- Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;
- Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;
- Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;
- Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo qui định của pháp luật;
- Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo qui định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:
- Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo qui định của Luật này;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;
- Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật qui định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo qui định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;
- Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo qui định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và qui định khác của pháp luật có liên quan.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)