Nâng giá tiền tệ (Revaluation) là gì? Tác động của chính sách nâng giá tiền tệ
Mục Lục
Nâng giá tiền tệ (Revaluation)
Nâng giá tiền tệ trong tiếng Anh là Revaluation. Nâng giá tiền tệ là biện pháp chủ động làm tăng giá đồng nội tệ so với ngoại tệ, nghĩa là làm tỉ giá hối đoái danh nghĩa giảm xuống.
Mục đích
- Mục tiêu của nâng giá tiền tệ là chống lạm phát.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến cáo, khi lạm phát tăng cao, ảnh hưởng của lạm phát sẽ làm giảm sức mua của người nghèo và làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
- Đôi khi một quốc gia áp dụng chính sách nâng giá tiền tệ còn nhằm mục đích xây dựng sự ảnh hưởng của mình ra bên ngoài (tăng cường đầu tư và xuất khẩu vốn ra bên ngoài), nhằm hạ nhiệt nền kinh tế phát triển quá nóng để tránh một cuộc khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nâng giá tiền tệ là biện pháp điều chỉnh tỉ giá hối đoái khi những cường quốc về kinh tế - tài chính đi vào sử dụng công cụ này nhằm chiếm lĩnh thị trường hoặc khi nền kinh tế phát triển quá nhanh, quá nóng.
Khi đó, muốn làm dịu lạnh, hạ nhiệt nền kinh tế thì sử dụng biện pháp nâng giá tiền tệ để gây hiệu ứng kích thích chuyển vốn đầu tư ra ngước ngoài (xuất khẩu vốn) để kiếm lời.
Tác động của chính sách nâng giá tiền tệ
Tác động của chính sách nâng giá tiền tệ có thể theo hai hướng sau:
Thứ nhất: Vì muốn nâng giá tiền tệ ngân hàng trung ương phải thu bớt nội tệ vào nên lượng tiền cơ sở giảm, cung tiền giảm theo cấp số nhân. Đường LM* dịch chuyển sang trái, sản lượng giảm, thất nghiệp tăng, tuy nhiên lạm phát giảm xuống.
Thứ hai: Khi nâng giá tiền tệ, các yếu tố khác không đổi thì sức cạnh tranh của hàng trong nước giảm xuống, làm giảm xuất khẩu ròng (xuất khẩu giảm nhập khẩu tăng), giảm tổng cầu, đường IS* dịch chuyển sang trái.
Tóm lại, trong mô hình IS* - LM*, nâng giá tiền tệ làm lượng cung tiền giảm nên đường LM* cũng dịch chuyển sang trái. Do xuất khẩu ròng giảm làm cho tổng cầu giảm, đường IS* dịch chuyển sang trái. Kết quả của sự dịch chuyển này là sản lượng cân bằng giảm.
Liên hệ thực tiễn
Một nước áp dụng chính sách nâng giá tiền tệ nhằm phản ánh đúng hơn giá trị thực tế của đồng nội tệ.
Nếu như phá giá tiền tệ làm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu nhưng cũng đồng nghĩa với việc quốc gia đó đang bán sản phẩm của mình cho nước ngoài với giá rẻ thì ngược lại nâng giá đồng nội tệ lại làm hàng hoá sản phẩm của quốc gia đó đắt đỏ hơn tại các thị trường nước ngoài.
Khi đó tỉ giá hối đoái danh nghĩa rời xa giá trị thực, bóp méo cơ chế vận hành tỉ giá hối đoái, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương của một quốc gia.
Tuy nhiên, nâng giá tiền tệ cũng có tác dụng tốt, làm hàng hoá của nước đó được bán với mức giá tốt hơn trên thị trường nước ngoài. Đặc biệt là khi hàng hoá đủ tính cạnh tranh, không cần đến sự phá giá của đồng nội tệ để đạt được nhiều lợi ích hơn.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính)