Môi trường nhân tạo trong đô thị (Urban Artificial Environment) là gì?
Mục Lục
Môi trường nhân tạo trong đô thị (Urban Artificial Environment)
Môi trường nhân tạo trong đô thị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Urban Artificial Environment.
Môi trường nhân tạo trong đô thị là một yếu tố quan trọng tạo nên môi trường đô thị, là tất cả những gì con người tạo ra trong đô thị, bao gồm các thành phần vật chất và phi vật chất.
Các thành phần vật chất gồm các công trình xây dựng theo các chức năng đô thị và không gian đặc biệt như di tích, danh lam thắng cảnh.
Các thành phần phi vật chất bao gồm cách ứng xử, công ăn việc làm và ý thức. Ngoài ra, nó bao gồm kết quả tư duy do hoạt động của con người đưa lại những tư duy đó lại bị ảnh hưởng do tiếng ồn, rung động, từ trường... (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)
Thành phần vật chất của môi trường nhân tạo
a) Con người tạo nên các chức năng đô thị như sinh hoạt, sản xuất, nghỉ ngơi, đi lại cũng tức là tạo cho mình điều kiện ở, làm việc và nghỉ ngơi giải trí.
Sơ đồ mối liên hệ giữa con người với không gian bên trong và bên ngoài căn hộ ở.
Giữa các chức năng này có mối quan hệ mật thiết với nhau, nằm trong chu trình hoạt động hàng ngày của con người. Do đó, con người phải tạo ra môi trường nhân tạo dựa trên các mối quan hệ này và luôn hòa đồng với môi trường tự nhiên vì môi trường tự nhiên là nền tảng cho mọi sự sống.
b) Cơ sở hạ tầng:
- Hạ tầng kĩ thuật: là một thành phần của môi trường nhân tạo, là một bộ phận của hệ sinh thái, có nhiều mối quan hệ khác nhau của môi trường vật lí của đô thị, vùng, các điều kiện quyết định đầu tiên của tự nhiên và hạ tầng kĩ thuật.
- Hạ tầng xã hội: bao gồm các công trình thương nghiệp, dịch vụ công cộng, ăn uống, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học... đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần và vật chất cho con người.
Thành phần phi vật chất của môi trường nhân tạo
Các thành phần phi vật chất bao gồm kinh tế xã hội, trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, cách ứng xử, công ăn việc làm, ý thức cộng đồng và tư duy con người. Nó là kết quả của việc tổ chức cuộc sống đô thị, có liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào khung cảnh sống và không gian đô thị do chính con người tạo ra.
Ba vấn đề kinh tế xã hội, trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật của môi trường phi vật chất có tính chất quyết định sự phát triển của đô thị. Đối với các đô thị thì sự phát triển kinh tế xã hội có 2 mặt tích cực và tiêu cực.
Mặt tích cực của nó là làm thay đổi cuộc sống và bộ mặt đô thị nhanh chóng, nhưng mặt tiêu cực của nó là càng phát triển sản xuất, càng làm ra nhiều sản phẩm thì càng tiêu thụ nhiều tài nguyên, đời sống của dân đô thị càng cao, càng tiêu thụ nhiều hàng hóa, do đó thải ra môi trường nhiều chất thải hơn. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)