Mối quan hệ chính trị - công nghệ trong kinh tế số là gì?
Mục Lục
Mối quan hệ chính trị - công nghệ
Mối quan hệ chính trị - công nghệ trong tiếng Anh tạm dịch là: The relationship between politics and technology.
Thế giới số không quá khác biệt song thế giới số cũng có các đặc trưng rất đáng lưu ý, chẳng hạn, dường như hoạt động của con người đang bị các thuật toán điều khiển. Theo tiếp cận lấy con người làm trung tâm, mối quan hệ chính trị - công nghệ được K. Schwab phát biểu như sau:
Mọi công nghệ đều là chính trị, chúng là hiện thân các ham muốn và thỏa hiệp xã hội được thể hiện trong suốt quá trình phát triển và thực hiện. Các công nghệ và các xã hội định hình lẫn nhau theo một cách phản xạ, chúng ta là sản phẩm của các công nghệ của chúng ta, cũng giống như chúng (các công nghệ) là sản phẩm do chúng ta tạo ra.
Mối quan hệ chính trị - công nghệ còn được thể hiện ở tình trạng là các công ty công nghệ lớn (năm công ty Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft và Facebook có tổng giá trị trên 5.600 tỉ đô la Mỹ, được dự báo vào thập kỉ tới sẽ có lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với con số 178 tỉ đô la Mỹ năm 2019) sẽ gây ra những chấn động kinh tế lớn hơn nữa tại các nước giàu, tạo nên tình trạng tập trung đáng báo động sức mạnh kinh tế và chính trị vào các công ty đó.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu vượt lên mọi nỗ lực của các nhà quản lí và cộng đồng về thuế, quyền riêng tư và hành vi sai trái trong cạnh tranh (bao gồm việc “thâu tóm” mua lại các công ty khởi nghiệp). Hình sau chỉ ra các mối quan tâm của tầng lớp giàu có nhất tại một số nền kinh tế phát triển.
Mối quan hệ biện chứng công nghệ - chính trị chỉ ra rằng yếu tố đạo đức có vị trí đặc biệt trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đạo đức trí tuệ nhân tạo TTNT được nhấn mạnh ở hầu hết các chiến lược TTNT quốc gia “TTNT cùng con người, TTNT vì con người” cũng như việc phát triển TTNT là nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền riêng tư của con người.
Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, Nam Duck-Woo nhận định rằng "tính đồng nhất về dân tộc và văn hoá, truyền thống Nho giáo mạnh trân trọng sự học, tinh thần cống hiến và lòng trung thành với đất nước" là yếu tố phi kinh tế quan trọng hàng đầu góp phần vào "điều kì diệu sông Hàn".
Giữ gìn và tăng cường đạo đức - văn hóa - bản sắc dân tộc Việt Nam cần đồng hành và làm nền tảng cho phát triển kinh tế số Việt Nam.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam, PGS. TS. Hà Quang Thụy, PGS. TS. Phan Xuân Hiếu, PGS. TS. Nguyễn Trí Thành, TS. Trần Trọng Hiếu, TS. Trần Mai Vũ, Tạp chí Công thương, 2020)