Mô hình ngân hàng đa năng (Universal Banking) là gì? Đặc điểm và vai trò
Mục Lục
Mô hình ngân hàng đa năng
Mô hình ngân hàng đa năng hay nghiệp vụ ngân hàng đa năng trong tiếng Anh là universal banking.
Mô hình ngân hàng đa năng là một hệ thống trong đó các ngân hàng cung cấp tất cả các dịch vụ tài chính bao gồm các hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh của cả ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Ngân hàng đa năng cũng có thể tham gia sở hữu các cổ phần trong các tập đoàn công nghiệp.
Do vậy, ngân hàng đa năng được coi là hiện thân của một loạt các dịch vụ tài chính như: kinh doanh các công cụ tài chính, kinh doanh ngoại hối, nhận bảo hiểm các loại nợ (hay bảo lãnh nợ), phát hành cổ phiếu, quản lí đầu tư, bảo hiểm cũng như mở rộng việc cung cấp các tín dụng hay dịch vụ tiền gửi.
Đặc điểm của ngân hàng đa năng
Theo hệ thống này, các ngân hàng có thể chọn tham gia vào bất kì hoặc tất cả các hoạt động nào được cấp phép. Họ sẽ phải tuân thủ tất cả các hướng dẫn trong việc chi phối hoặc trực tiếp quản lí tài sản và các giao dịch.
Vì không phải tất cả các tổ chức đều tham gia vào các hoạt động giống nhau, nên các qui định có thể khác nhau theo từng tổ chức. Cần lưu ý, không được nhầm lẫn giữa thuật ngữ "ngân hàng đa năng" với bất kì tổ chức tài chính nào có tên tương tự.
Ngân hàng đa năng phổ biến ở một số nước châu Âu, bao gồm cả Thụy Sĩ. Tại Mỹ, các ngân hàng bắt buộc phải tách thành dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Những người ủng hộ mô hình ngân hàng đa năng cho rằng nó giúp các ngân hàng phân tán rủi ro tốt hơn. Nhưng những người phản đối thì cho rằng việc phân chia hoạt động của các ngân hàng mới là chiến lược nhận về ít rủi ro hơn.
Vai trò của ngân hàng đa năng
Ngân hàng đa năng đáp ứng các nhu cầu về tài chính của khách hàng trên toàn cầu như:
- Làm giảm sự phân đoạn thị trường của trung gian tài chính;
- Giúp các công ty dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn;
- Làm tăng quy mô của nền kinh tế;
- Làm giảm chi phí tài chính trong hệ thống ngân hàng;
- Giúp quản lí tốt hơn các dòng tài chính.
Từ đó, việc mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, bảo hiểm… trên thị trường tài chính của các ngân hàng đa năng khác với việc chỉ tập trung riêng vào các hoạt động của ngân hàng truyền thống (vay, cho vay, cung ứng các dịch vụ ngân hàng) sẽ giúp các ngân hàng đa năng có các lợi thế sau:
- Thứ nhất, lợi thế về nguồn vốn. Ngân hàng đầu tư thực chất là một công ty tài chính với hoạt động kinh doanh rủi ro trên thị trường vốn, do đó không được phép nhận tiền gửi của khách hàng. Nguồn vốn của ngân hàng đầu tư chủ yếu là vốn cổ đông, vốn vay ngân hàng và phát hành trái phiếu. Nhược điểm của các nguồn vốn này thường mang tính chất ngắn hạn, không ổn định và chi phí cao.
Trong khi đó ngân hàng thương mại lại có đặc ân huy động tiền gửi của khách hàng hình thành nên một nguồn vốn ổn định và rẻ. Do vậy, việc kết hợp thực hiện hoạt động của cả ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại sẽ giúp ngân hàng đa năng có mức độ rủi ro thấp hơn so với ngân hàng đầu tư, việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu của ngân hàng đa năng cũng rẻ hơn.
- Thứ hai, lợi thế về khách hàng và sản phẩm. Việc tận dụng mạng lưới khách hàng và sản phẩm đa dạng hơn cho phép bảo đảm có được sự trung thành của những khách hàng quan trọng khi các ngân hàng đa năng này có thể cung cấp tất cả các dịch vụ tài chính mà khách hàng cần.
- Thứ ba, làm giảm đi các biến động kinh tế bằng cách đa dạng hóa sự can thiệp vào các lĩnh vực: tài chính ngân hàng/can thiệp trên thị trường tài chính, ngân hàng thương mại/ngân hàng đầu tư, quốc gia/quốc tế.
- Ngoài ra, tại Mỹ, việc chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đa năng cho phép ngân hàng tránh được một số qui định nghặt nghèo của chuẩn mực kế toán của Mỹ, do đó một số tài sản không cần hạch toán theo giá trị hợp lí (fair value accounting). Điều này sẽ giảm bớt một số khoản dự phòng giảm giá một cách hợp lệ. Hơn nữa, việc chuyển đổi sang mô hình đa năng còn cho phép ngân hàng đầu tư tiếp cận các dịch vụ cứu trợ của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
(Tài liệu tham khảo: Investopedia, Ngân hàng nhà nước Việt Nam)