Mô hình chiến lược tuyến tính (Linear strategy model) là gì?
Mục Lục
Mô hình chiến lược tuyến tính (Linear strategy model)
Mô hình chiến lược tuyến tính trong tiếng Anh là Linear strategy model. Mô hình chiến lược tuyến tính thường được gọi là mô hình I.
Mô hình tuyến tính tập trung vào hoạt động lập kế hoạch. Mô hình được gọi là tuyến tính vì nó bao hàm các hoạt động có trình tự, được định hướng và tuân theo trật tự logic trong quá trình lập kế hoạch.
Nội dung
- Theo quan điểm tuyến tính, chiến lược gồm: tích hợp các quyết định, hành động hoặc kế hoạch đặt ra và hướng tới các mục tiêu của tổ chức.
- Mục tiêu và cách thức đạt tới mục tiêu đều là kết quả của quyết định chiến lược. Để đạt được mục tiêu, tổ chức có thể thay đổi liên kết của mình với môi trường xung quanh như thay đổi sản phẩm, chuyển dịch thị trường, hay thực hiện các hành vi kinh doanh khác.
- Các thuật ngữ thường đi liền với mô hình tuyến tính có: lập kế hoạch chiến lược, thiết lập hệ thống chiến lược, và thực hiện chiến lược.
- Mô hình tuyến tính mô tả các nhà quản trị cấp cao như những người có khả năng thay đổi tổ chức.
Môi trường xung quanh là tập hợp các khó khăn do các đối thủ cạnh tranh tạo ra. Qua một quá trình ra quyết định hợp lí, nhà quản trị cấp cao xác định mục tiêu, xây dựng các phương án thay thế để đạt được mục tiêu, đánh giá khả năng thành công của mỗi phương án, và quyết định phương án thực hiện.
Trong quá trình này, nhà quản trị tận dụng các xu thế và điều kiện trong tương lai có lợi cho hoạt động kinh doanh và tránh hoặc có biện pháp phản ứng lại các điều kiện bất lợi. Do mô hình được phát triển cho các tổ chức kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, hai kết quả quan trọng được xem xét tới là lợi nhuận và năng suất.
- Nếu mục tiêu của quá trình lập kế hoạch là thành công của doanh nghiệp, thì cần đảm bảo mọi quyết định của người quản lí từ cấp cao nhất sẽ được thực hiện đầy đủ trong toàn tổ chức.
- Giả định này cho phép các ý tưởng dự kiến trở thành hành động thực tế. Giả định thứ hai của mô hình bắt nguồn từ đặc tính tốn thời gian và định hướng tương lai của quá trình lập kế hoạch.
- Nói cách khác, quyết định của ngày hôm nay được đưa ra dựa trên niềm tin vào các điều kiện trong tương lai. Các quyết định có thể chỉ được thực hiện sau một vài tháng, thậm chí, vài năm.
- Để có thể tin tưởng rằng thời gian dành cho việc đưa ra quyết định không lãng phí, cần có niềm tin rằng biến động môi trường kinh doanh là có thể dự báo. Một giả định nữa là mỗi tổ chức đều xác định cho mình một số mục tiêu và hoàn thành các mục tiêu này là kết quả quan trọng nhất của chiến lược.
Đặc trưng của mô hình chiến lược tuyến tính
- Phạm vi: xác định rõ mục tiêu dài hạn cơ bản của doanh nghiệp, điều chỉnh các hành động và phân bố nguồn lực cần thiết nhằm đạt tới các mục tiêu này
- Bản chất của chiến lược: tích hợp các quyết định, hành động, và kết hoạch
- Trọng tâm của chiến lược: phương tiện, kết quả
- Mục tiêu của chiến lược: đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp
- Hành vi chiến lược: thay đổi sản phẩm, thị trường
- Thuật ngữ liên quan: lập kế hoạch chiến lược, xây dựng và thực hiện chiến lược
- Tiêu chí đánh giá: kế hoạch chính thức, sản phẩm mới, cấu trúc sản phẩm hoặc phương thức kinh doanh, trọng tâm và phân đoạn thị trường, thị phần, sát nhập và thâu tóm, đa dạng sản phẩm.
Liên hệ thực tiễn
Mô hình tuyến tính ngày càng ít được sử dụng do các vấn đề chiến lược ngày càng trở nên phức tạp không chỉ bởi các vấn đề này liên quan đến nhiều góc độ quản lí khác nhau mà còn bởi biến động của các biến số kỹ thuật, kinh tế, thông tin, xã hội...
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)