Mâu thuẫn (Conflict) trong tập thể là gì? Ứng dụng trong việc quản trị
Mục Lục
Mâu thuẫn trong tập thể
Mâu thuẫn trong tiếng Anh được gọi là Conflict.
Mâu thuẫn là quá trình trong đó một bên nhận ra rằng quyền lợi của mình hoặc đối lập hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một bên khác.
Phân loại
- Mâu thuẫn, xung đột bên trong cá nhân
+ Đây là mâu thuẫn giữa nhiệm vụ được giao và khả năng thực hiện của cá nhân
Ví dụ: Nhà quản lí giao nhiệm vụ cho nhân viên bán hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách, phải phục vụ tốt cho khách hàng và tự vận chuyển hàng hóa từ kho ra quầy. Nhiệm vụ thứ ba là rất khó khăn cho nhân viên vì họ phải luôn có mặt tại quầy đúng giờ để phục vụ khách, họ không có đủ thời gian để tự vận chuyển hàng.
+ Có khi là mâu thuẫn giữa yêu cầu công việc và nhu cầu của cá nhân
Ví dụ: Vì yêu cầu của công việc, nhân viên phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ, nhưng lại mâu thuẫn với nhu cầu cá nhân của họ là được vui chơi giải trí. Mâu thuẫn cá nhân có thể xuất hiện khi làm việc quá tải, ít hài lòng về công việc, làm việc trong trạng thái căng thẳng.
- Mâu thuẫn xung đột giữa các cá nhân
Đây là mâu thuẫn trong việc phân phối các nguồn lực có hạn như vốn, vật tư, nhân lực... giữa lãnh đạo và các cá nhân. Các cá nhân đều thấy phải trao cho họ, nhưng không phải lúc nào họ cũng được đáp ứng và vì thế có thể nảy sinh mâu thuẫn.
Ngoài ra mâu thuẫn giữa các cá nhân nảy sinh do bất đồng về quan điểm trong đánh giá các sự việc, hiện tượng, các giá trị, các quyền lợi, hay do tính cách khác nhau.
- Mâu thuẫn giữa các cá nhân với nhóm
Đây là mâu thuẫn giữa nhóm và cá nhân do quan điểm hoặc lợi ích không phù hợp
Chẳng hạn trong một nhóm nhân viên bán hàng, đa số các thành viên trong nhóm cho rằng phải bán hạ giá để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng những người còn lại không tán thành vì cho rằng hạ giá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và có thể sẽ bị khách hàng nghi ngờ chất lượng sản phẩm.
- Mâu thuẫn giữa các nhóm
Trong một tập thể có thể có nhiều nhóm và quan điểm quyền lợi của các nhóm có khi không thống nhất với nhau. Do sự phân công công tác chưa hợp lí, do thiếu tôn trọng hoặc không hiểu nhau... và vì thế nảy sinh mâu thuẫn.
Những mâu thuẫn điển hình của loại này là mâu thuẫn giữa nhóm chính thức và nhóm không chính thức... Giữa các bộ phận chức năng trong một đơn vị có khi cũng xuất hiện mâu thuẫn do sự khác nhau về mục tiêu.
Ví dụ: Giữa phòng kế toán và phòng marketing.
Phương pháp giải quyết
Các phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong tập thể
Một thống kê của các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy, một nhà quản lí trung bình dùng 21% thời gian trong tuần để giải quyết các mâu thuẫn và xung đột trong doanh nghiệp.
Như vậy, giải quyết xung đột và mâu thuẫn sao cho ổn thỏa là một công việc mà nhà quản lí cần chú tâm để thúc đẩy doanh nghiệp làm việc tốt hơn.
- Phương pháp áp chế (phương pháp Thắng -Thua)
Là phương pháp giành thắng lợi cho một phía. Phía đa số dùng sức mạnh của mình để áp đảo phía thiểu số. Đây là phương pháp dễ dàng áp dụng nhưng ít làm người ta thỏa mãn, nhất là trong lâu dài.
- Phương pháp thỏa hiệp (phương pháp Thua - Thua)
Ở đây mỗi bên từ bỏ, nhân nhượng cái gì đó để đem lại bình yên trong tập thể. Phương pháp này thường dùng khi trong tập thể mâu thuẫn nảy sinh do bất đồng lợi ích.
Đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi vì khi người ta phải từ bỏ phần của mình, thì họ sẽ tìm cách giành được nó dưới hình thức khác, hoặc thời gian khác khi có cơ hội.
Phương pháp này thường được dùng khi có một cuộc xung đột xảy ra, khi các bên không tự giải quyết được xung đột và gây rắc rối cho doanh nghiệp.
- Phương pháp thống nhất (phương pháp Thắng – Thắng)
Đây là phương pháp tốt nhất và làm vừa lòng nhất, để chấm dứt mâu thuẫn. Phương pháp này dựa trên tiền đề là các sự khác biệt đều có giá trị, tượng trưng cho phần đóng góp cụ thể, riêng biệt mà mỗi thành viên có thể gánh vác cho sự phát triển chung của nhóm.
Biện pháp giải quyết
Các biện pháp cơ bản để giải quyết mâu thuẫn, xung đột
- Biện pháp thuyết phục
Thông qua việc bồi dưỡng ý thức mỗi bên, làm cho họ nhận thấy được tác hại của xung đột do họ gây ra đối với tập thể và mọi người.
- Biện pháp hành chính
Đây là biện pháp được tiến hành sau khi các biện pháp khác đã thực hiện nhưng không có kết quả, hoặc không thể áp dụng có hiệu quả. Đây là biện pháp thuyên chuyển một bên của xung đột, thuyên chuyển công tác của cán bộ, đưa ra khỏi cơ quan hoặc các quyết định hành chính khác.
(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm và các qui luật tâm lí phổ biến tác động trong tập thể lao động, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)