Marketing xanh (Green Marketing) là gì? Hiệu quả của marketing xanh trong thực tiễn
Mục Lục
Marketing xanh
Marketing xanh trong tiếng Anh là Green Marketing.
Marketing xanh là các hoạt động marketing cho sản phẩm và dịch vụ dựa trên các yếu tố hoặc nhận thức về môi trường. Marketing xanh trong bài viết này có nghĩa là các nhà sản xuất sử dụng các quy trình thân thiện với môi trường trong sản xuất, như tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảm lượng khí thải CO2.
Marketing xanh cũng có thể đề cập đến việc sản xuất và tiếp thị hàng hóa dựa trên các đặc tính thân thiện với môi trường, có thể bao gồm việc tránh sử dụng vật liệu độc hại, sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm, các sản phẩm làm từ vật liệu tái tạo (ví dụ như tre), không sử dụng quá nhiều bao bì, hoặc các sản phẩm được thiết kế để có thể sửa chữa và tái sử dụng.
Bản chất của marketing xanh
Marketing xanh là hoạt động mà các công ty sử dụng để tìm cách thu được hiệu quả cao hơn marketing truyền thống, bằng cách thúc đẩy và truyền bá các giá trị cốt lõi về môi trường, với hy vọng người tiêu dùng sẽ liên kết các giá trị này với công ty hoặc thương hiệu của họ.
Việc tham gia vào các hoạt động này có thể dẫn đến việc tạo ra một dòng sản phẩm mới phục vụ cho một thị trường mục tiêu mới.
Lợi ích của marketing xanh
Marketing xanh có thể đề cập đến quá trình sản xuất, hoặc chính các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Các công ty thành công trong việc "xanh hóa" có thể thu hút sự chú ý và tiền đầu tư của những người tìm các khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội - một chiến lược đầu tư nhằm sở hữu cổ phần của những công ty cam kết trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và quản trị tốt.
Ví dụ về các công ty thực hiện marketing xanh
Ben và Jerry's, Whole Food, Starbucks, Johnson & Johnson, Method và Timberland là một số những công ty đã sử dụng chiến lược marketing xanh, nhấn mạnh vào tính thân thiện với môi trường của sản phẩm hoặc của các phương pháp được sử dụng trong qui trình đóng gói hoặc các cửa hàng bán lẻ của chúng.
Hiệu quả của marketing xanh trong thực tiễn
Marketing xanh thường tạo ra các chi phí tăng thêm mà người tiêu dùng sẽ phải chịu. Điều này là do việc sử dụng các vật liệu đắt tiền hơn như các sản phẩm tái chế vì mục tiêu giảm chất thải; và do các sản phẩm này thường phải cạnh tranh với các hàng hóa khác không thân thiện với môi trường, và nhiều lí do khác.
Vấn đề là người tiêu dùng có chịu trả thêm tiền cho các công ty thực hiện marketing xanh không. Khảo sát toàn cầu năm 2014 của Nielsen về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã kêu gọi 30.000 người tiêu dùng từ 60 quốc gia cho biết sở thích của họ đối với các sản phẩm xanh và thấy rằng phần lớn người tiêu dùng thực sự sẵn sàng trả tiền cho marketing xanh.
Khoảng 55% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm và dịch vụ từ các công ty cam kết tạo ra tác động tích cực đến môi trường và xã hội và 52% đã mua hàng ít nhất là một lần từ một công ty cam kết có trách nhiệm xã hội trong 6 tháng gần đó.
Hơn một nửa số người được hỏi trả lời rằng họ kiểm tra bao bì sản phẩm để đảm bảo rằng nó không lãng phí hoặc gây hại cho môi trường. Người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và Trung Đông / châu Phi cho thấy mức độ ưu tiên cao hơn (64%, 63%, 63%) để trả thêm tiền cho marketing xanh, trong khi ở Bắc Mỹ và châu Âu thì sự ưu tiên này thấp hơn một chút (42% và 40%).
(Theo investopedia)