Luật xây dựng (Law on Construction) là gì? Đối tượng điều chỉnh của luật xây dựng
Mục Lục
Luật xây dựng (Law on Construction)
Luật xây dựng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Law on Construction.
Luật xây dựng là một nhánh của pháp luật kinh tế, bao gồm tổng thể các qui phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm tác động và điều chỉnh các hoạt động của pháp nhân kinh tế và các quan hệ kinh tế, xã hội, kĩ thuật và mĩ thuật phát sinh trong quá trình đầu tư và xây dựng nhằm đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh xây dựng tiến hành có hiệu quả đúng pháp luật và thực hiện được các mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước đặt ra.
Đối tượng điều chỉnh của luật xây dựng
Quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh giữa các doanh nghiệp
Đó là quan hệ sản xuất và trao đổi hàng hoá của những pháp nhân kinh tế, diễn ra trên thị trường đầu tư và xây dựng.
Các mối quan hệ này rất đa dạng và phong phú, song tập trung chủ yếu vào các quan hệ kinh tế có liên quan đến các hoạt động qui hoạch, khảo sát, thiết kế, tư vấn, đấu thầu, chọn thầu, xây lắp công trình, mua, bán, sản phẩm hàng hoá cung ứng dịch vụ, quan hệ tài chính, tiền tệ, tài sản…
Các quan hệ này nảy sinh và được giải quyết chủ yếu thông qua các hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể kinh tế như: các chủ đầu tư, các công ty tư vấn, công ty xây dựng, tổ chức cung ứng, sản xuất vật liệu, cấu kiện xây dựng và thiết bị công nghệ...
Riêng các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhà nước nhằm thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước thì yếu tố tổ chức – kế hoạch, yếu tố nhiệm vụ – nghĩa vụ chi phối mạnh hơn yếu tố sở nguyện của các chủ thể.
Quan hệ giữa các doanh nghiệp với Nhà nước
Thực chất đây là quan hệ lợi ích giữa cá nhân (người sản xuất – kinh doanh) và xã hội (mà Nhà nước là đại diện).
Quan hệ này biểu hiện thành trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với xã hội thông qua Nhà nước trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đóng góp tích luĩ cho ngân sách bảo vệ các bí mật kinh tế quốc gia; bảo đảm chất lượng và vệ sinh sản phẩm...
Quan hệ này thực chất là quan hệ quản lí nhà nước mà trong đó chủ thể của các quan hệ có địa vị pháp lí khác nhau: Một bên là cơ quan quản lí, một bên là đối tượng bị quản lí.
Pháp luật về kinh tế, trên giác độ này, có sứ mệnh điều chỉnh hành vi của người sản xuất kinh doanh sao cho không xâm hại đến lợi ích xã hội và lợi ích công dân.
Quan hệ nội bộ trong các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng cũng như nhiều doanh nghiệp khác được tạo lập và vận hành theo những nguyên lí tổ chức rất khoa học và thường bao gồm nhiều bộ phận nhỏ như đội sản xuất, phân xưởng, công trường...
Quan hệ nội bộ doanh nghiệp bao gồm quan hệ giữa doanh nghiệp với từng bộ phận, quan hệ giữa các bộ phận với nhau và quan hệ giữa doanh nghiệp và từng bộ phận của doanh nghiệp với người lao động.
Các quan hệ này nảy sinh trong quá trình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và mang đặc tính của những quan hệ nội bộ thuộc thẩm quyền riêng của các doanh nghiệp. Chúng được điều chỉnh chủ yếu bằng các qui định của bản thân doanh nghiệp dưới dạng các văn bản điều lệ, qui chế phù hợp với pháp luật của Nhà nước. (Theo Giáo trình Luật đầu tư và xây dựng, NXB Giao thông vận tải)