Lợi suất nắm giữ (Holding Period Return) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý
Mục Lục
Lợi suất nắm giữ
Lợi suất nắm giữ, tiếng Anh gọi là holding period return hay holding period yield, viết tắt là HPR.
Lợi suất nắm giữ là tổng lợi nhuận nhận được khi nắm giữ một tài sản hay danh mục tài sản trong một khoản thời gian được gọi là thời gian nắm giữ (holding period) và thường được thể hiện dưới dạng phần trăm.
Lợi suất nắm giữ được tính trên cơ sở tổng lợi nhuận của tài sản hoặc danh mục (là thu nhập cộng với giá trị thay đổi). Nó hỗ trợ việc so sánh lợi nhuận giữa các khoản đầu tư với thời gian nắm giữ khác nhau.
Công thức tính lợi suất nắm giữ
Công thức tính lợi suất nắm giữ
Hiểu rõ hơn về lợi suất nắm giữ
Bắt đầu từ ngày mua và nhận chứng khoán tiếp tục cho đến khi bán nó đi, thời gian nắm giữ sẽ xác định thuế phải trả. Ví dụ, giả sử Sarah đã mua 100 cổ phiếu vào ngày 2 tháng 1 năm 2016. Khi xác định thời gian nắm giữ, cô ấy sẽ bắt đầu tính từ ngày 3 tháng 1 năm 2016. Và vào mỗi ngày thứ ba của tháng sau đó sẽ được coi là một tháng mới, bất kể tháng đó có bao nhiêu ngày.
Nếu Sarah bán ra cổ phiếu vào ngày 23 tháng 12 năm 2016, cô ấy phải ghi nhận một khoản thuế lãi hay lỗ trên vốn ngắn hạn, vì thời gian nắm giữ của cô ấy ít hơn một năm. Nếu cô ấy bán cổ phiếu vào ngày 3 tháng 1 năm 2017 thì cô ấy phải ghi nhận khoản lãi hay lỗ trên vốn dài hạn vì thời gian nắm giữ của cô ấy nhiều hơn một năm.
Ví dụ về lợi suất nắm giữ
Sau đây là một vài ví dụ về cách tính lợi suất nắm giữ:
1. Lợi suất nắm giữ của nhà đầu tư đã mua một cổ phiếu một năm trước với giá 50$ và nhận được 5$ cổ tức trong năm, và giá hiện tại của cổ phiếu ấy là 60$; là bao nhiêu?
Lợi suất nắm giữ = [5 +(60-50)]/50 = 30%
2. Khoản đầu tư nào tốt hơn? Quĩ tương hỗ X, nắm giữ trong ba năm, giá tăng từ 100$ lên 150$, cổ tức 5$; hay quĩ tương hỗ B, giá tăng từ 200$ lên 320$ cộng với 10$ cổ tức trong vòng bốn năm.
Lợi suất nắm giữ của quĩ X = [5 + (150-100)]/100 = 55%
Lợi suất nắm giữ của quĩ B = [10 + (320-200)]/200 = 65%
Lưu ý: Quĩ B có lợi suất nắm giữ cao hơn, nhưng thời gian nắm giữ là bốn năm, cao hơn so với ba năm của quĩ X. Vì thời gian khác nhau, chúng ta cần tính lợi suất nắm giữ hàng năm, như sau:
3. Tính lợi suất nắm giữ hàng năm
Lợi suất nắm giữ hàng năm của quĩ X = [(0,55 + 1)^(1/3)] - 1 = 15,73%
Lợi suất nắm giữ hàng năm của quĩ B = [(0,65 + 1)^(1/4)] - 1 = 13,34%
Như vậy, tuy có lợi suất nắm giữ thấp hơn, quĩ X vẫn là khoản đầu tư vượt trội hơn.
(Theo Investopedia)