Lợi nhuận giữ lại (Retained Earnings) là gì? Sử dụng lợi nhuận giữ lại như thế nào?
Mục Lục
Lợi nhuận giữ lại
Lợi nhuận giữ lại trong tiếng Anh là Retained Earnings.
Lợi nhuận giữ lại là thu nhập ròng (sau thuế) còn lại cho doanh nghiệp sau khi họ đã trả cổ tức cho các cổ đông. Một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận có thể dương (lãi) hoặc âm (lỗ).
Lợi nhuận dương cung cấp rất nhiều cơ hội cho chủ doanh nghiệp hoặc ban quản lí công ty để tận dụng số dư kiếm được. Thường lợi nhuận này được trả cho các cổ đông, nhưng nó cũng có thể được tái đầu tư vào công ty cho mục đích tăng trưởng. Tiền không trả cho cổ đông được tính là lợi nhuận giữ lại.
Công thức tính lợi nhuận giữ lại
Lợi nhuận giữ lại = Lợi nhuận giữ lại ban đầu + Thu nhập ròng (hoặc Lỗ ròng) - Cổ tức
Trong đó, cổ tức có thể bao gồm cổ tức trả bằng tiền mặt (Cash Dividends) hoặc cổ tức trả bằng cổ phiếu (Stock Dividends).
Bất cứ khi nào một công ty tạo ra thu nhập thặng dư, một phần các cổ đông dài hạn có thể mong đợi một số thu nhập thường xuyên dưới dạng cổ tức, như một phần thưởng cho việc đầu tư vào công ty. Các trader tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cũng có thể thích nhận khoản thanh toán từ cổ tức nào mang lại lợi nhuận tức thì.
Cổ tức cũng được ưa thích vì nhiều khu vực pháp lí cho phép cổ tức là thu nhập được miễn thuế, trong khi lợi nhuận trên cổ phiếu phải chịu thuế. Mặt khác, lãnh đạo công ty có thể tin rằng họ có thể sử dụng tiền tốt hơn nếu nó được giữ lại trong công ty. Tương tự, có thể có các cổ đông tin tưởng vào tiềm năng quản lí và có thể ưu tiên cho phép họ giữ lại lợi nhuận với hi vọng nhận được lãi cao hơn (ngay cả khi có thuế).
Sử dụng lợi nhuận giữ lại như thế nào?
Các lựa chọn sau đây bao quát tất cả các khả năng về cách sử dụng tiền dư ra:
- Thu nhập có thể được phân phối (đầy đủ hoặc một phần) giữa các chủ doanh nghiệp (cổ đông) dưới dạng cổ tức.
- Nó có thể được đầu tư để mở rộng các hoạt động kinh doanh hiện tại, như tăng năng lực sản xuất của các sản phẩm hiện có hoặc thuê thêm đại diện bán hàng.
- Nó có thể được đầu tư để chạy một sản phẩm/phiên bản mới, như một nhà sản xuất tủ lạnh đột phá sản xuất máy điều hòa không khí, hoặc một nhà sản xuất bánh qui tung ra các phiên bản có vị cam hoặc dứa.
- Tiền có thể được sử dụng cho bất kì sự hợp nhất, mua lại hoặc hợp tác nào có thể dẫn đến triển vọng kinh doanh được cải thiện.
- Nó cũng có thể được sử dụng để mua lại cổ phần.
- Lợi nhuận có thể được sử dụng để trả bất kì khoản nợ nào mà doanh nghiệp có thể có.
Lựa chọn đầu tiên dẫn đến tiền kiếm được sẽ chảy ra khỏi sổ sách và tài khoản của doanh nghiệp mãi mãi, vì các khoản thanh toán cổ tức là không thể thay đổi được. Tuy nhiên, tất cả các lựa chọn khác giữ lại tiền thu nhập để sử dụng trong doanh nghiệp và các khoản đầu tư và tài trợ như vậy, sẽ tạo thành lợi nhuận giữ lại.
Theo định nghĩa, lợi nhuận giữ lại là thu nhập hoặc lợi nhuận ròng tích lũy của một công ty sau khi hạch toán cổ tức. Nó cũng được gọi là thặng dư thu nhập và đại diện cho tiền dự trữ, vốn có sẵn cho ban quản lí công ty để tái đầu tư vào doanh nghiệp. Khi được biểu thị bằng tỉ lệ phần trăm của tổng lợi nhuận, nó còn được gọi là tỉ lệ giữ lại (retention ratio) và bằng (1 - tỉ lệ chi trả cổ tức).
Mặc dù lựa chọn cuối cùng là thanh toán nợ dẫn đến việc tiền bị chảy ra ngoài, nhưng nó vẫn có tác động đến tài khoản của doanh nghiệp, như tiết kiệm được các khoản thanh toán lãi trong tương lai, đủ điều kiện để qui vào lợi nhuận giữ lại.
Hai mặt lợi ích chi phí của lợi nhuận giữ lại
Việc giữ lại lợi nhuận có cả hai mặt lợi ích và chi phí, do đó có thể có một mức tối ưu mà tại đó giá trị doanh nghiệp là tối đa. Lợi ích của lợi nhuận giữ lại xuất phát từ một vài nguyên nhân như:
Thứ nhất, đối với động cơ phòng ngừa, các doanh nghiệp duy trì được tính thanh khoản để phản ứng lại các tình huống bất ngờ không dự đoán trước được.
Thứ hai, đối với động cơ giao dịch, giữ lại lợi nhuận để đáp ứng các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp có thể giữ lại tiền mặt nội bộ để tận dụng các cơ hội đầu tư do sự hiện hữu của vấn đề bất cân xứng thông tin có thể làm tăng chi phí tài trợ bên ngoài, thậm chí có thể dẫn đến bỏ qua các cơ hội đầu tư có NPV dương. Vì thế, nhà quản trị nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt để giảm chi phí tài trợ bên ngoài.
Thứ tư, đối với động cơ về thuế, các doanh nghiệp có thể thích giữ lại lợi nhuận hơn là chi trả cổ tức cho cổ đông để tránh phải nộp thuế trên cổ tức.
Ngược lại, việc giữ lại lợi nhuận cũng tạo ra các chi phí. Một mặt, nguồn dự trữ tiền mặt lớn có thể làm tăng chi phí đại diện do làm gia tăng mâu thuẫn đại diện giữa nhà quản trị và cổ đông. Dòng tiền tự do có thể làm gia tăng sự tùy ý của nhà quản trị, thực hiện các hành động đi ngược lại ý muốn của cổ đông. Mặt khác, nắm giữ tiền mặt hàm ý chi phí cơ hội, do tỷ suất sinh lợi thấp, cụ thể là nếu doanh nghiệp từ bỏ các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lợi nhiều hơn để nắm giữ lượng tiền mặt đó.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia, Tác động của việc giữ lại lợi nhuận đến giá trị các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam, ThS. Dương thị Thanh Hiền - Tìm hiểu về lợi nhuận giữ lại)