Lí thuyết thị trường phân cách (Segmented Markets Theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết thị trường phân cách (Segmented Markets Theory)
Lí thuyết thị trường phân cách trong tiếng Anh gọi là Segmented Markets Theory.
Lí thuyết này xuất phát từ tiền đề cho rằng những công cụ nợ với kì hạn thanh toán khác nhau không thể thay thế cho nhau vì mỗi nhà đầu tư có những ưu tiên riêng cho những công cụ nợ ở một kì hạn nào đó và như vậy họ sẽ chỉ quan tâm đến tỉ suất lợi tức dự tính cho những công cụ nợ ở kì hạn mà họ ưu tiên.
Từ tiền đề trên, lí thuyết thị trường phân cách cho rằng các thị trường của các công cụ nợ có kì hạn khác nhau là độc lập với nhau. Lãi suất của một công cụ nợ với một kì hạn nhất định được quyết định bởi lượng cung và cầu đối với công cụ này mà không bị chi phối bởi lợi tức dự tính của các công cụ nợ có kì hạn khác.
Đường cong lãi suất
Theo lí thuyết này, những dạng đường lãi suất khác nhau do tương quan cung - cầu ở từng thị trường các công cụ nợ quyết định. Đường cong lãi suất có hình dạng dốc lên vì lượng cầu đối với công cụ nợ ngắn hạn cao hơn so với lượng cầu đối với công cụ nợ dài hạn, công cụ nợ ngắn hạn, do vậy, có giá cao hơn và lãi suất thấp hơn công cụ nợ dài hạn.
Ngược lại, các đường cong lãi suất dốc xuống là vì lượng cầu công cụ nợ dài hạn là tương đối cao hơn và lãi suất của chúng khi ấy sẽ thấp hơn lãi suất của công cụ nợ ngắn hạn. Do những đường cong lãi suất thường dốc lên, lí thuyết giải thích là do mọi người thường ưu tiên nắm giữ công cụ nợ ngắn hạn hơn là công cụ nợ dài hạn.
Với nội dung và cách giải thích như trên, lí thuyết thị trường phân cách cho rằng thị trường của các công cụ nợ có kì hạn khác nhau hoàn toàn không có quan hệ với nhau.
Nên lí thuyết đã không giải thích được hiện tượng thực tiễn là những lãi suất của các công cụ nợ ở kì hạn thanh toán khác nhau có xu hướng diễn biến theo nhau đồng thời cũng không giải thích được tại sao đường cong lãi suất dốc lên khi lãi suất ngắn hạn ở mức thấp và dốc xuống khi lãi suất ngắn hạn ở mức cao.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)