Lí thuyết phát triển cân đối (Balanced Growth Theory) là gì? Hạn chế
Mục Lục
Lí thuyết phát triển cân đối
Lí thuyết phát triển cân đối trong tiếng Anh được gọi là Balanced Growth Theory.
Lí thuyết phát triển cân đối là một trong nhiều lí thuyết về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những người ủng hộ quan điểm phát triển cân đối (như R Nurkse, Rosenstein - Rodan) cho rằng phải phát triển đồng đều ở tất cả mọi ngành kinh tế quốc dân để nhanh chóng công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu.
Luận cứ ủng hộ lí thuyết phát triển cân đối
Luận cứ của những người ủng hộ lí thuyết như sau:
- Trong quá trình phát triển, tất cả các ngành có liên quan mật thiết với nhau, "đầu ra" của ngành này là "đầu vào" của ngành kia và như vậy, sự phát triển đồng đều và cân đối chính là đòi hỏi sự cân bằng cung cầu trong sản xuất.
- Sự phát triển cân đối giữa các ngành như thế giúp tránh được các ảnh hưởng tiêu cực của thị trường thế giới và hạn chế được mức độ phụ thuộc vào các nền kinh tế khác, qua đó tiết kiệm được nguồn ngoại tệ.
- Một nền kinh tế dự trên cơ cấu cân đối giữa tất cả các ngành là nền tảng vững chắc đảm bảo sự độc lập chính trị của các nước đang phát triển.
Hạn chế của lí thuyết phát triển cân đối
Lí thuyết này khi đưa ra được các quốc gia đang phát triển đi theo con đường công nghiệp hóa hướng nội (công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu) rất ưa chuộng. Tuy nhiên, khi được áp dụng thực tế đã bộc lộ những yếu điểm như sau:
- Việc phát triển một cơ cấu kinh tế cân đối và hoàn chỉnh đã đẩy các nền kinh tế đến chỗ khép kín và tách biệt với thế giới bên ngoài: điều này đi ngược lại với xu thế quốc tế hóa và toàn cần hóa kinh tế đang diễn ra trên thế giới và không tận dụng được những lợi ích tích cực từ môi trường bên ngoài đem lại.
- Các nền kinh tế đang phát triển không đủ nguồn lực về nhân tài, vật lực để có thể thực hiện được những mục tiêu cơ cấu đặt ra.
(Tài liệu tham khảo: Một số lí thuyết về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh)