Lí thuyết nội bộ hoá (Internalization Theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết nội bộ hoá
Lí thuyết nội bộ hoá trong tiếng Anh gọi là: Internalization Theory.
Lí thuyết nội bộ hoá do Buckley và Casson đưa ra năm 1976, lí thuyết này dựa trên lí thuyết công ty của Coase (1937). Theo lí thuyết này, giao dịch bên trong công ty (Internal Transaction - IT) tốt hơn giao dịch bên ngoài công ty (Market Transaction - MT).
IT tốt hơn MT khi thị trường không hoàn hảo: không hoàn hảo tự nhiên (khoảng cách giữa các quốc gia làm tăng chi phí vận tải), không hoàn hảo mang tính cơ cấu (rào cản thương mại như các tiêu chuẩn về sản phẩm, về môi trường; các yêu cầu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ).
Khi thị trường không hoàn hảo như vậy, công ty phải tự tạo ra thị trường bằng cách tạo ra Internal Market, sử dụng tài sản trong nội bộ công ty mẹ – con, con – con. Lợi ích của việc nội bộ hoá là tránh được độ trễ về thời gian, việc mặc cả khi mua bán và tình trạng thiếu thốn người mua.
Nội bộ hoá phải có những lợi ích lớn hơn chi phí phát sinh khi thành lập mạng lưới công ty mẹ – con thì mới được sử dụng. Tuy nhiên lí thuyết này không giải thích lợi ích của nội bộ hoá là gì (là lợi thế độc quyền), nó rất chung chung, không đưa ra được các bằng chứng cụ thể và rất khó kiểm chứng.
(Theo Lí thuyết vòng đời của sản phẩm và lí thuyết nội bộ hóa, Đại học Duy Tân, 2018)
Lí thuyết nội bộ hoá dựa vào khái niệm chi phí giao dịch. Chi phí giao dịch (transaction costs) là những chi phí tham gia vào một giao dịch, đó là những chi phí liên quan đến đàm phán, giám sát và củng cố hợp đồng.
Một công ty phải quyết định liệu nó có tốt hơn để sở hữu và điều hành chính công ty của nó ở nước ngoài, hay kí hợp đồng với một công ty nước ngoài để làm việc này thông qua nhượng quyền thương hiệu, cấp phép kinh doanh.
Lí thuyết nội bộ hoá cho rằng FDI thường có khả năng xảy ra - việc sản xuất quốc tế được nội bộ hóa trong công ty - khi chi phí đàm phán, quan sát và củng cố hợp đồng với một công ty thứ 2 rất cao. Ví dụ, lợi thế cạnh tranh đầu tiên của Toyota là thương hiệu của nó với chất lượng cao và công nghệ sản xuất hiện đại.
Ngược lại, lí thuyết nội bộ hóa nói rằng khi chi phí giao dịch thấp, các công ty thường kí hợp đồng với những người ngoài và quốc tế hóa (internationalization) bằng việc nhượng quyền thương hiệu hay cấp phép kinh doanh cho việc quản trị công ty.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Cao học Quản trị kinh doanh quốc tế, PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2017)