Lí thuyết ngang bằng lãi suất (Interest Rate Parity – IRP) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Lí thuyết ngang bằng lãi suất
Khái niệm
Lí thuyết ngang bằng lãi suất hay còn gọi là Lí thuyết cân bằng lãi suất, Lí thuyết ngang giá lãi suất trong tiếng Anh là Interest Rate Parity, viết tắt là IRP.
Lí thuyết ngang bằng lãi suất (IRP) là một lí thuyết trong đó chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia bằng với chênh lệch giữa tỉ giá hối đoái kì hạn và tỉ giá giao ngay.
Lí thuyết ngang bằng lãi suất đóng một vai trò thiết yếu trong thị trường ngoại hối kết nối lãi suất, tỉ giá giao ngay và tỉ giá hối đoái.
Công thức Ngang bằng lãi suất (IRP)
F0 = S0 x (1+ic)/(1+ib)
Trong đó:
F0 là tỉ giá hối đoái có kì hạn
S0 là tỉ giá giao ngay
ic là tỉ lệ lãi suất của nước c
ib là tỉ lệ lãi suất của nước b
Tỉ giá hối đoái có kì hạn là tỉ giá hối đoái tại một thời điểm trong tương lai, trái ngược với tỉ giá giao ngay là tỉ giá hiện tại.
Tỉ giá hối đoái có kì hạn là nền tảng cho lí thuyết ngang giá lãi suất do nó liên quan đến việc kinh doanh chênh lệch giá (việc mua và bán đồng thời một tài sản để thu lợi từ chênh lệch giá).
Tỉ giá có kì hạn có sẵn do các ngân hàng và đại lí tiền tệ cung cấp trong với khoảng thời gian từ dưới một tuần cho đến hơn năm năm.
Giống với báo giá tiền tệ giao ngay, tỉ giá có kì hạn được định giá bằng chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Sự khác biệt giữa tỉ giá có kì hạn và tỉ giá giao ngay được gọi là Swap point (điểm hoán đổi). Nếu chênh lệch trên (tỉ giá có kì hạn trừ tỉ giá giao ngay) là dương, thì được gọi là khoản thặng dư, một sự khác biệt tiêu cực được gọi là khoản khấu trừ.
Một loại tiền tệ có lãi suất thấp hơn sẽ giao dịch tại mức thặng dư với một loại tiền tệ có lãi suất cao hơn. Ví dụ: đồng đô la Mỹ thường giao dịch tại mức thặng dư so với đô la Canada, ngược lại, đồng đô la Canada giao dịch tại mức khấu trừ so với đồng đô la Mỹ.
Đặc điểm Lí thuyết ngang bằng lãi suất (IRP)
Lí thuyết ngang bằng lãi suất (IRP) là một phương trình cho thấy mối quan hệ giữa lãi suất và tỉ giá hối đoái.
Tiền đề cơ bản của ngang bằng lãi suất là lợi nhuận được bảo đảm từ đầu tư vào các loại tiền tệ khác nhau phải giống nhau bất kể mức lãi suất của mỗi loại tiền tệ đó là bao nhiêu.
Nếu một quốc gia có tỉ lệ hoàn vốn phi rủi ro của tiền tệ cao hơn so với một quốc gia khác, thì quốc gia có tỉ lệ hoàn vốn phi rủi ro cao hơn sẽ được trao đổi ở mức giá đắt hơn trong tương lai so với giá giao ngay hiện tại.
Nói cách khác, lí thuyết ngang bằng lãi suất cho rằng không có việc kinh doanh chênh lệch giá (việc mua và bán đồng thời một tài sản để thu lợi từ chênh lệch giá) trong thị trường ngoại hối.
Các nhà đầu tư không thể khóa tỉ giá hiện tại bằng một loại tiền tệ với giá thấp hơn và sau đó mua một loại tiền tệ khác của một quốc gia có mức lãi suất cao hơn.
Ngang bằng lãi suất có phòng ngừa và không phòng ngừa
Ngang bằng lãi suất được cho là có phòng ngừa khi thỏa mãn được điều kiện không có chênh lệch giá thông qua việc sử dụng các hợp đồng kì hạn để phòng ngừa rủi ro ngoại hối.
Ngược lại, ngang bằng lãi suất được cho là không phòng ngừa khi điều kiện không có chênh lệch giá có thể được thỏa mãn mà không cần sử dụng các hợp đồng kì hạn để phòng ngừa rủi ro ngoại hối.
Các lựa chọn chuyển đổi tiền tệ
Hãy xem xét việc chuyển đổi một loại tiền tệ thành đô la Mỹ của một nhà đầu tư đang ở Mỹ.
Lựa chọn đầu tiên mà một nhà đầu tư có thể sử dụng là đầu tư ngoại tệ ở trong nước với lãi suất phi rủi ro nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ tham gia vào một thỏa thuận tỉ giá có kì hạn để chuyển đổi số tiền thu được từ khoản đầu tư sang đô la Mỹ bằng tỉ giá hối đoái có kì hạn vào cuối giai đoạn đầu tư.
Lựa chọn thứ hai sẽ là chuyển đổi ngoại tệ sang đô la Mỹ theo tỉ giá giao ngay, sau đó đầu tư đô la Mỹ cho cùng một khoảng thời gian như trong tùy chọn đầu tiên với lãi suất phi rủi ro của Mỹ.
Khi không có chênh lệch giá, dòng tiền từ cả hai lựa chọn trên đều bằng nhau.
Ví dụ thực tế về ngang giá lãi suất có phòng ngừa
Giả sử tín phiếu Kho bạc Úc có lãi suất hàng năm là 1.75%, trong khi tín phiếu Kho bạc Mỹ có lãi suất hàng năm là 0.5%.
Nếu một nhà đầu tư ở Mỹ tìm cách tận dụng lãi suất ở Úc, nhà đầu tư sẽ phải chuyển đổi đô la Mỹ sang đô la Úc để mua tín phiếu Kho bạc Úc.
Sau đó, nhà đầu tư sẽ phải bán hợp đồng kì hạn một năm với đồng đô la Úc.
Tuy nhiên, theo ngang bằng lãi suất có phòng ngừa, giao dịch sẽ chỉ có mức lợi nhuận là 0.5%, nếu không thì sẽ vi phạm điều kiện không có chênh lệch giá.
Hạn chế của IRP
Lí thuyết ngang bằng lãi suất nhận nhiều chỉ trích do các giả định của lí thuyết này. Ví dụ, mô hình IRP có phòng ngừa giả định rằng có nguồn vốn được sử dụng là vô hạn để sử dụng cho kinh doanh chênh lệch giá tiền tệ, giả định này rõ ràng là phi thực tế.
Khi hợp đồng tương lai hoặc hợp đồng kì hạn không thể được bảo đảm, ngang bằng lãi suất không phòng ngừa không thể áp dụng trong thực tiễn.
(Theo Investopedia)